Cải cách quản lý nợ công: Tiến tới xây dựng mô hình cơ quan quản lý nợ công thống nhất

PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý nợ công ở Việt Nam thời gian qua?

Ông Trương Hùng Long: Trong bối cảnh quốc tế có nhiều yếu tố không thuận, dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý nợ công những tháng đầu năm 2022 đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính, dự toán ngân sách nhà nước, các chính sách tài khóa, tiền tệ.

Nghiên cứu, hoàn thiện cơ quan quản lý nợ công là cần thiết
Ông Trương Hùng Long

Theo đó, mục tiêu quản lý nợ công được thực hiện tốt, đảm bảo huy động vốn đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) và đầu tư phát triển với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý; điều chỉnh cơ cấu và khối lượng vay phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn cũng như điều kiện thị trường.

Các giải pháp cơ cấu danh mục nợ công được triển khai đồng bộ, qua đó góp phần đảm bảo an toàn nợ và an ninh tài chính quốc gia. Cơ cấu nợ chính phủ có chuyển biến khả quan, vốn vay trong nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo để giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Tuy vậy, nguồn vốn nước ngoài vẫn đáp ứng đủ các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa để ứng phó với rủi ro vĩ mô. Công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết với chủ nợ, giữ uy tín của Chính phủ.

Tỷ lệ nợ nước ngoài giảm xuống, nợ trong nước tăng lên; kỳ hạn vay nợ tăng lên trong khi lãi suất giảm xuống kéo theo kỳ hạn nợ trong danh mục nợ tăng lên và lãi suất giảm xuống. Đặc biệt cho đến nay, Việt Nam đã thanh toán đầy đủ, đúng hạn cả gốc lẫn lãi tất cả các khoản nợ đến hạn.

Đến nay, Việt Nam đã thanh toán đầy đủ, đúng hạn cả gốc lẫn lãi tất cả các khoản nợ đến hạn.
Đến nay, Việt Nam đã thanh toán đầy đủ, đúng hạn cả gốc lẫn lãi tất cả các khoản nợ đến hạn.

PV: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030 (Quyết định 460/QĐ-TTg), Bộ Tài chính đã có những hành động gì để chiến lược sớm đi vào cuộc sống, thưa ông?

Ông Trương Hùng Long: Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững có đề ra nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công, sau năm 2020 nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ quan quản lý nợ công theo mô hình phù hợp.

Thực hiện chủ trương định hướng nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030. Chiến lược nêu quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp quản lý nợ, trong đó có nội dung đáp ứng nhu cầu vay với chi phí, rủi ro phù hợp, đảm bảo kế hoạch trả nợ, kiểm soát các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia.

Để triển khai thực hiện cụ thể, trong tháng 6/2022, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị phổ biến và triển khai Chiến lược nợ công đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công tác quản lý nợ công đối với sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội; đồng thời chủ động xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng chương trình hành động cụ thể để đưa chiến lược nợ công vào cuộc sống.

PV: Để quản lý nợ công đạt các mục tiêu đã đặt ra cần phải có cơ quan quản lý nợ công (DMO) phù hợp, Bộ Tài chính đã nghiên cứu vấn đề này ra sao, thưa ông?

Ông Trương Hùng Long: Bộ Tài chính đã đề xuất hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới về tổ chức thể chế quản lý nợ công. Trong khuôn khổ, đợt làm việc, đoàn chuyên gia đã có một tuần trao đổi trực tiếp với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đơn vị được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quản lý nợ trong Bộ Tài chính, các đối tác tham gia thị trường vốn.

Tiếp theo các buổi làm việc trực tiếp, nhóm chuyên gia phối hợp với Bộ Tài chính cũng đã tổ chức hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về các mô hình thể chế quản lý nợ công, giúp các cơ quan có thêm thông tin để có cái nhìn tổng thể, đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ và công tác phối hợp trong quản lý nợ trên thế giới và bối cảnh Việt Nam.

DMO phải đảm bảo nhu cầu huy động vốn và nghĩa vụ thanh toán với chi phí thấp nhất

Trên thế giới, mô hình DMO của các nước không có sự thống nhất, nhưng dù tổ chức theo mô hình nào thì mục tiêu chính của DMO vẫn là đảm bảo đáp ứng được nhu cầu huy động vốn và các nghĩa vụ thanh toán của chính phủ với chi phí thấp nhất có thể trong trung đến dài hạn, phù hợp với rủi ro ở mức độ cẩn trọng…

Trên thế giới, mô hình DMO của các nước không có sự thống nhất. Có nước, DMO trực thuộc bộ tài chính. Có nước, DMO thuộc bộ tài chính nhưng hoạt động tương đối độc lập (tương tự như kho bạc). Có nước, DMO trực thuộc chính phủ hoặc ngân hàng trung ương, nhưng có nước, DMO lại hoạt động khá độc lập. Dù tổ chức theo mô hình nào thì mục tiêu chính của DMO là đảm bảo đáp ứng được nhu cầu huy động vốn và các nghĩa vụ thanh toán của chính phủ với chi phí thấp nhất có thể trong trung đến dài hạn, phù hợp với rủi ro ở mức độ cẩn trọng…

Việc tích hợp các chức năng về quản lý nợ công về một cơ quan và giao chức năng quản lý nợ công đó cho cơ quan thống nhất thực hiện được gọi là DMO. Việc thành lập DMO là một thông lệ tốt của quốc tế, bởi nhiều nước đã áp dụng. Thông qua tham khảo kinh nghiệm của những nước đã triển khai DMO, Việt Nam cũng sẽ phải nghĩ đến, nghiên cứu, triển khai thực hiện nhằm vừa đảm bảo tính rành mạch về mặt chức năng, vừa đảm bảo được trách nhiệm giải trình của các cơ quan khác nhau, trong đó có cơ quan quản lý nợ khi thực hiện chức năng là đi huy động và quản lý nợ của quốc gia.

Do đó, việc nghiên cứu phát triển mô hình DMO với đầy đủ chức năng theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển nhu cầu quản lý của Việt Nam trong từng giai đoạn là cần thiết.

PV: Xin cảm ơn ông!