o.nam

Ông Bùi Văn Nam phát biểu chỉ đạo tại Chi cục Thuế quận Long Biên - Hà Nội

Con số trên 1 triệu tỷ đồng là dấu ấn “đột phá” của ngành Thuế trong năm 2017, và điều đó đã ghi nhận sự nỗ lực quyết tâm thực hiện lời hứa của người đứng đầu ngành Thuế.

Quả ngọt” trong cải cách thuế

Vinh dự được tham gia, theo dõi và biết về quá trình công tác của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam nhiều năm qua, nhưng lần đầu tiên tôi viết về kết quả ngành Thuế có gắn dấu ấn của người đứng đầu ngành. Thực tế là khá nhiều lần tôi đặt vấn đề viết về ông, nhưng ông thường khiêm nhường từ chối. “Các nhà báo cứ viết về ngành cả mặt tốt và mặt chưa tốt để chúng mình rút kinh nghiệm, hay như viết về gương điển hình cá nhân cán bộ thuế tốt để động viên, khích lệ anh em công tác, bởi thành tích đạt được đều là của chung toàn ngành”, ông nói.

Được rèn luyện từ môi trường lực lượng vũ trang, năm 1987 ông Bùi Văn Nam được điều chuyển công tác sang ngành Thuế có lẽ là do cơ duyên. Từng trải qua nhiều nhiệm vụ từ cán bộ cơ sở, đến cán bộ cấp phòng, cấp cục và cấp lãnh đạo tổng cục, ở cương vị nào người cán bộ thuế Bùi Văn Nam cũng để lại những dấu ấn về tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo trong công việc. Khi còn là lãnh đạo Cục Thuế Quảng Ninh từ năm 1995 đến năm 2008, tư tưởng đổi mới của ông đã thể hiện mạnh mẽ qua những bước đi táo bạo, tiên phong trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính mà gần như chưa đơn vị nào trong ngành Thuế cả nước triển khai thực hiện. Ngay từ năm 2004, Cục Thuế Quảng Ninh đã là một trong hai đơn vị thuế địa phương triển khai thí điểm quản lý thuế theo cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp, tự chịu trách nhiệm của người nộp thuế. Trong quá trình thực hiện cơ chế, ông Nam đã “vào cuộc” nghiên cứu cách làm, lựa chọn bước đi thích hợp, qua đó đã được các doanh nghiệp (DN) đồng thuận, ủng hộ chủ trương của ngành Thuế trong tiến trình cải cách hành chính thuế. “Việc đưa cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp, khai nộp thuế điện tử đã xỏa bỏ phương thức thủ công trong thu nộp NSNN. Chấm dứt tình trạng mỗi kỳ quyết toán thuế người nộp thuế thậm chí phải mang cả bao tải tiền tới cơ quan kho bạc để nộp NSNN, gây áp lực cho cả phía cơ quan thuế, kho bạc và người nộp thuế”, ông Nam chia sẻ.

Bước đi thành công này của một đơn vị thuế địa phương như Quảng Ninh đã được nhân rộng ở tất cả các cục thuế. Những thành công ấy cũng giúp ông Bùi Văn Nam khi được giao giữ trọng trách Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý thuế. Ông từng tâm sự: “Cái khó trong công tác điều hành nhiệm vụ không phải là công việc vất vả, mà là làm sao phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất một lòng từ trên xuống dưới của cán bộ, công chức trong toàn ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Và, ông đã “chỉ huy” ngành Thuế trong nhiều năm qua bằng chính “cái tâm” của mình. Nhiều lúc ông trăn trở, cả nước có tới 63 cục thuế và 711 chi cục. Mỗi đơn vị địa phương có những ưu điểm, hạn chế khác nhau. Vậy cần bước đi như thế nào để mọi đơn vị trong ngành Thuế cả nước đều thích nghi và đáp ứng được yêu cầu cải cách? Đó là “bài toán” thôi thúc người đứng đầu ngành đưa ra lời giải bằng chính việc triển khai công nghệ thông tin hiện đại vào công tác quản lý thuế.

Sự quyết tâm cải cách TTHC thuế được nhân lên gấp nhiều lần, khi vào tháng 7/2014, lãnh đạo Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ ra những hạn chế của công tác quản lý thuế còn rườm rà, thời gian làm thủ tục về thuế quá dài lên tới hơn 537 giờ, cao nhất trong số các nước ASEAN và Trung Quốc, gây khó khăn cho DN và người dân; đồng thời, yêu cầu ngành phải phấn đấu giảm ít nhất 200 giờ làm thủ tục thuế mỗi năm đối với các DN. Sự nhắc nhở ấy đã “thức tỉnh” không chỉ người đứng đầu ngành Thuế mà cả hệ thống thuế trên cả nước. Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam tâm nguyện phải bằng mọi giải pháp thực hiện cho được những chỉ đạo về cải cách TTHC trong ngành Thuế.

Lời hứa với Chính phủ và Bộ Tài chính đã dần dần được ngành Thuế hiện thực hóa trong nhiều năm liền. Ông luôn động viên mỗi cán bộ phải là một “mắt xích” không ngừng chuyển động tiên phong trong cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh, có như vậy mới tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. Quyết tâm ấy của người đứng đầu ngành, cùng với sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành trong suốt những năm qua đã mang lại “quả ngọt” về cải cách TTHC thuế. Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018 - Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới công bố, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 81 bậc, từ vị trí thứ 167 lên vị trí 86/190. Trong 300 TTHC lĩnh vực thuế, có tới 118 TTHC được thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Cùng với việc nâng cấp nhiều ứng dụng vào công tác quản lý thuế đạt cấp độ 3, cấp độ 4 trên đây, ngành Thuế đã mở rộng thực hiện khai thuế, nộp thuế điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí của DN; đồng thời góp phần nhằm hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với DN trong quá trình khai và nộp thuế. Tính đến thời điểm này, mới trong thời gian 3 năm rưỡi, số giờ nộp thuế từ 537 giờ đã giảm chỉ còn 117 giờ.

Lời hứa “màu cờ sắc áo”

Chỉ vài chuyến công tác tháp tùng Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam làm việc tại một số địa phương, đã loại bỏ những hồ nghi của tôi về khả năng đạt mục tiêu thu trên 1 triệu tỷ đồng NSNN của ngành Thuế năm 2017 mà vị chỉ huy của ngành đã hứa. Ông Bùi Văn Nam tâm niệm, lời hứa đó không chỉ của riêng cá nhân ông mà đó là uy tín, danh dự, là “màu cờ sắc áo” của hơn 4 vạn công chức ngành Thuế cả nước. Với tinh thần quyết liệt trong điều hành của Tổng cục trưởng, ngành Thuế đã liên tục phát động các đợt thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc dự toán thu ngân sách từng tháng, từng quý và cả năm.

Dự toán thu NSNN năm 2017 dù đã được tính toán khá cụ thể, tỉ mỉ ở từng khoản thu, song cái khó cho công tác thu trong năm qua, đó là mặc dù số thu ngân sách địa phương đạt khá cao, nhưng thu ngân sách trung ương vẫn vô cùng khó khăn. Những người làm trong ngành đều cảm nhận khá rõ “sức nóng” trong “mặt trận” điều hành công tác thu ngân sách những ngày cận kề cuối năm. Để nắm rõ tình hình thu, đích thân người đứng đầu ngành Thuế đã thị sát tận các cục, chi cục thuế địa phương có số thu lớn, có điều tiết về ngân sách trung ương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh...

Các chuyến thị sát của lãnh đạo tổng cục được gọi một cách không màu mè là “đốc thu”, nhưng điều dễ nhận thấy là trong các buổi làm việc của Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam không mang cảm giác nặng nề có tính áp đặt nhiệm vụ của cấp trên giao cho cấp dưới. Với phong thái từ tốn, giản dị, gần gũi, cùng lối nói chuyện dí dỏm, hài hước…, người đứng đầu ngành Thuế “đốc thu” bằng cách lắng nghe từng nhiệm vụ, tháo gỡ từng vấn đề khó cho cơ sở… Những tình huống thực tế của Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam chia sẻ với cán bộ trong ngành từ khi ông còn là cán bộ cơ sở thuế địa phương, rồi ở cương vị lãnh đạo cấp cục, cho đến vị trí lãnh đạo tổng cục đã thấy rõ sự trăn trở, đau đáu với nghề trong tâm tư ông. Mỗi câu chuyện ông chia sẻ đều ẩn chứa trong đó những bài học về cuộc sống, những kinh nghiệm xử lý trong công tác thuế.

Ông cho rằng: “Để thu được thuế cũng là một “nghệ thuật”. Cán bộ thuế chúng ta phải làm thế nào để người nộp thuế hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ thuế và sẵn sàng đóng góp nguồn thu với Nhà nước mới là thành công”.

Câu nói chân tình của Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam khi tâm tình với cán bộ thuế trong ngành dường như là “sức mạnh vô hình” đối với từng cá nhân trong tập thể ngành Thuế. Ở con người vị chỉ huy này luôn tỏa ra năng lượng đầy nhiệt huyết, có sức lan tỏa động viên, khích lệ tinh thần cán bộ, công chức trong ngành tận tâm, tận lực vì nhiệm vụ được giao. Chính bởi sự chân tình xuất phát từ cái tâm với nghề mà Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam luôn được cấp dưới nể phục, và trong các chuyến “đốc thu” của mình, ông luôn nhận được lời hứa chắc chắn từ đơn vị cơ sở sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sự nỗ lực đó đã được ghi nhận số thu NSNN đạt trên 1 triệu tỷ đồng của ngành Thuế trong năm 2017 – đây là “dấu mốc” quan trọng đặt nền tảng cho những thành công tiếp theo của ngành khi bước vào xuân mới.

Những năm qua, và đặc biệt là năm 2017 có thể đánh giá là năm “thu hái quả ngọt” của ngành Thuế, từ việc đạt nhiệm vụ thu ngân sách đến cải cách hiện đại hóa, cải cách TTHC thuế, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thuế, thu hồi nợ đọng thuế… Ấy vậy mà khi chúc mừng về những thành công của ngành, người đứng đầu ngành Thuế vẫn chừng mực: “Đây là nhiệm vụ được giao, mình đại diện cho mấy vạn cán bộ công chức hứa trước Đảng, trước Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính… thì phải thực hiện cho được lời đã hứa…”.

Huyền Trang