dich cum gia cam

Giá các loại gia cầm đang giảm mạnh do người tiêu dùng e dè với dịch cúm gia cầm đang bùng phát.

Giá giảm mạnh

Hà Nội là địa phương “may mắn” vì chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1, thế nhưng từ vài tháng nay người tiêu dùng đã rất dè dặt với mặt hàng thực phẩm này khiến giá giảm mạnh.

Tại các chợ nội và ngoại thành, gà được bày bán khá nhiều song người mua lại rất thưa thớt. Dạo một vòng quanh các chợ khu vực Cầu Giấy, Hà Đông. Gia Lâm, Long Biên… gà ta được bày bán với giá dao động từ 75.000-80.000 đồng/kg.

Còn tại các chợ ngoại thành tình trạng này còn “thê thảm” hơn, người bán đông hơn người mua. Tại Sóc Sơn, Đông Anh, Chương Mỹ… giá gà chỉ còn 53.000- 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, thời điểm trước và trong tết giá một kg gà ta thường dao động từ 100.000- 120.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Nụ (Gia Lâm) chia sẻ: “Giá một kg gà hiện tại bằng hoặc thấp hơn 1kg thịt lợn, nhưng gia đình tôi vẫn không dám mua vì e sợ dịch cúm”.

Không chỉ có Hà Nội, tại nhiều địa phương khác trong cả nước tình trạng này cũng không khá hơn. Tại Bắc Giang – địa phương cũng không nằm trong danh sách 22 tỉnh, thành xuất hiện cúm gia cầm nhưng giá gà tuột dốc mạnh.

Theo thông tin từ Hội chăn nuôi gà đồi Yên Thế (Bắc Giang), mặc dù gà đồi Yên Thế đã có thương hiệu, được người tiêu dùng tin tưởng, song trong tình cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay thì mỗi kg gà người chăn nuôi đã lỗ từ 20.000 – 30.000 đồng.

Anh Nguyễn Xuân Hiếu- Chủ trang trại nuôi gà ở xã Đồng Tâm (huyện Yên Thế), cho hay, gà đồi hiện tại thương lái chỉ trả giá 42.000 đồng/kg, trong khi phải bán với 65.000 đồng/kg gia đình mới hòa vốn.

“Với đàn gà hơn 3.000 con đã đến thời điểm xuất chuồng, nhưng chưa có thương lái hỏi mua, vụ này gia đình tôi chắc chắn lỗ từ 50-60 triệu đồng”, anh Hiếu chia sẻ.

“Chúng ta không nên quá đi sâu vào công tác chống dịch để rồi quên mất chăn nuôi, dẫn đến người tiêu dùng lo sợ mà tẩy chay các sản phẩm gia cầm. Cần phải đưa mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu vẫn nên sử dụng các sản phẩm an toàn từ các hộ chăn nuôi an toàn”, ông Nguyễn Văn Trọng Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) .

Nên sử dụng sản phẩm an toàn

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện giá các sản phẩm gia cầm đã giảm khoảng 15-20% so với thời điểm trước tết. Hiện, giá gà lông màu chỉ còn 35.000-39.000 đồng/kg, gà công nghiệp 25.000-29.000 đồng/kg trong khi đó, trứng gà công nghiệp chỉ còn 1.200-1.500 đồng/quả; trứng vịt lộn giảm còn 2.000 đồng/quả…

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ngày 4/3, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thừa nhận, nguyên nhân chính của tình trạng này là do tâm lý sợ dịch bệnh của người tiêu dùng đã ảnh hưởng tới sức mua. Đây cũng chính là cái cớ để các thương lái ép giá người nuôi.

Người chăn nuôi bị lỗ nặng, cứ đà này không còn vốn họ sẽ không dám tái đàn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, sau 2-3 tháng nữa sẽ xảy ra mất cân đối cung cầu, giá sẽ tăng vọt, nhập lậu gia cầm sẽ tăng lên.

Trước tình trạng giá các sản phẩm gia cầm giảm sâu như hiện nay, ảnh hưởng không nhỏ tới ngành chăn nuôi nói chung, ông Trọng cho rằng, người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn thực phẩm. Không nên chỉ nghe đến dịch cúm gia cầm bùng phát đã có tâm lý tẩy chay.

Các sản phẩm gia cầm được bày bán ở chợ đều đã qua kiểm dịch đều là những sản phẩm có nguồn gốc an toàn. Hơn nữa, khi chế biến và sử dụng các sản phẩm gia cầm, các bà nội trợ chỉ cần nấu chín sẽ không lo vi rút cúm nữa.

Ngoài ra, trong thời gian này, người dân nên tránh sử dụng tiết canh, vì ngoài bệnh cúm, trong tiết canh còn tiềm ẩn cả những bệnh khác.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tính đến ngày 4/3, cả nước còn 63 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 22 tỉnh/thành phố là Lào Cai, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…Toàn bộ số đàn gia cầm trong đàn mắc bệnh là 85.392 con, tổng số gia cầm được các địa phương tiêu hủy là 110.005 con.

Thúy Nga