Đến nay, sau hơn 20 năm giữ chuyên mục, ông đã có cả vạn bài báo. Sức viết của ông đến ngay cả những người trẻ như chúng tôi cũng phải kính nể. Ngồi trò chuyện với ông, tôi mới hiểu vì sao ngày nào ông cũng có thể “sinh sự” được.

Say mê sẽ thành sự nghiệp

Từng có thời gian 5 năm làm phóng viên báo Lao Động, nên tôi có cơ hội đọc nhiều bài viết của ông. Với tôi, cũng như nhiều phóng viên trẻ khác, ông là một đồng nghiệp đáng kính, một cây đại thụ trong làng báo. Đã có nhiều bài báo viết về ông, thậm chí có nhiều đề tài nghiên cứu về hiện tượng “Lý Sinh Sự”.

Vì thế, để viết về ông thật khó. Đã có lần ông nói đùa với một đồng nghiệp, rằng ông viết báo chỉ để “kiếm ăn”, rồi câu nói đùa ấy được đưa lên báo. Sau này nhiều người thắc mắc: Hóa ra cái ông Lý Sinh Sự viết báo chỉ để kiếm ăn. Ông chỉ cười mà nói: “Làm gì cũng để kiếm ăn cả!”. Đấy là ông nói thế, chứ tôi hiểu, ẩn sau những câu nói bông đùa, hài hước ấy là một con người say mê viết báo và làm báo.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng riêng trên gác 3, ông bảo: “Đây là thế giới riêng của tôi. Nó có đủ các thứ cần thiết, từ đồ ăn đến các phương tiện giải trí, một máy tính có kết nối mạng. Vì thế, tôi có thể ở trong phòng cả tuần mà vẫn sống được”. Quả đúng như vậy, trên bàn làm việc của ông là một chồng báo và tạp chí cao ngất. Ông bảo, mỗi ngày ông có 6 tờ báo biếu, ông đặt mua thêm 4 tờ nữa là 10 tờ báo, đó là chưa kể những tạp chí chuyên ngành khác. Điều này cho thấy món ăn tinh thần của ông phong phú như thế nào.

nhà báo trần đức chính
Nhà báo Trần Đức Chính. Ảnh: N.M.

Khi tôi đề nghị ông nói về chuyên mục “Nói hay đừng” - một chuyên mục đã trở thành thương hiệu của báo Lao Động, mà ông là người thứ hai “nuôi dưỡng” nó sau khi nhà báo Hoàng Thoại Châu với bút danh Ba Thợ Tiện nghỉ năm 1994, ông bỗng hào hứng hẳn lên. Ông bảo: “Sau hơn 20 năm giữ chuyên mục, đến nay tôi có đến cả vạn bài báo. Riêng năm 2014, tôi có đến 800 bài đăng trên báo Lao Động, mỗi ngày ít nhất 2 bài cho 2 chuyên mục “Nói hay đừng” và “Những điều trông thấy”.

Với phong cách hài chính luận, cùng với sức viết khỏe như vậy, nên ông được phong là tứ trụ phiếm luận trong làng báo Việt Nam. Những bài viết của ông, nhiều người cho rằng dù thông tin không mới, nhưng nó thể hiện một góc nhìn mới. Ví như câu chuyện một vị giám đốc sở bắn chết bò ở Đồng Nai. Có người viết con bò tự đâm vào họng súng tự sát để tố cáo nạn săn bắn.

Nhưng Lý Sinh Sự có góc nhìn khác. Để có thể hạ gục một con bò tót như thế, vị giám đốc sở nọ có khi phải bỏ công sở cả tháng trời để đi săn. Vì thế điều đáng lên án là vị giám đốc sở chứ không phải con bò. Đó là một sự sáng tạo của nhà báo.

Bản thân nhà báo Trần Đức Chính cũng thừa nhận, những bài viết của ông là những vấn đề diễn ra trong cuộc sống, hoàn toàn không bịa đặt, lấy sự việc để viết, thậm chí là sự việc chính trị. “Có những vấn đề nhạy cảm, không ai dám viết, nhưng tôi viết được. Để có thể truyền tải một thông điệp nào đó, bên cạnh yếu tố chính trị, tôi có pha chút hài. Như thế sẽ được nhiều người chấp nhận”.

Có lẽ cũng chính vì sự sáng tạo đó, mà đã có hàng chục đề tài khoa học nghiên cứu về phong cách viết của Lý Sinh Sự. Đến bản thân ông cũng không ngờ rằng, chính phong cách viết ấy đã trở thành đề tài để các trường đào tạo phóng viên báo chí mang ra giảng dạy.

Muốn làm báo giỏi phải có vốn sống phong phú

“Điều quan trọng là vốn sống. Vốn sống cậu à”. Câu nói ấy được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Ông cho rằng, muốn trở thành nhà báo giỏi thì phải đi nhiều, có vốn sống phong phú. “Cứ ra quán bia, quán nước chè ngồi, nếu anh thiện chí người ta sẽ nói mọi chuyện, nói hết tâm tư. Làm báo mà ngồi trong phòng máy lạnh thì không làm được đâu! Anh có thể lên mạng xào xáo, chép tài liệu, tin bài vẫn nộp đủ, vẫn được mời đi họp, vẫn có tiền. Nhưng không thể trở thành nhà báo theo đúng nghĩa”.

Nói đến đây tôi đã hiểu vì sao ông viết khỏe đến vậy. Sự say mê và vốn sống phong phú chính là nguồn năng lượng dồi dào thôi thúc ông làm việc. Ông cho rằng, thực tiễn cuộc sống không bao giờ yên ả. Vì thế còn nhiều điều phải nói, phải “sinh sự” lắm. Bản thân ông ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967, thì từ 1968 - 1972 ông đã là phóng viên chiến trường, tham gia tại “tuyến lửa” quân khu 4, Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đường mòn Hồ Chí Minh.

nguyễn minh nhật
Tác giả (bìa phải) trong một lần tác nghiệp. Ảnh: L.A.

Bằng chiếc xe đạp cà tàng, ông đã rong ruổi khắp miền Bắc, rồi ra chiến trường, đi dọc đường Trường Sơn. Đến bây giờ, khi đã nghỉ hưu, ông vẫn đi, vẫn la cà các quán nước chè vỉa hè, đôi khi ngồi uống cốc bia hơi với bạn bè sau một ngày làm việc. Đi chỉ đơn giản là để hiểu, để cảm nhận cuộc sống.

Khi đi nhiều, có một vốn sống nhất định, tự khắc sẽ nảy ra những đề tài mới, cách nhìn mới, cách nhìn của một người trong cuộc. Ông cho rằng, báo chí cũng là một nghề, phải rèn rũa, phải có phẩm chất làm báo. Nhìn một sự việc phải phát hiện ra được những điều riêng biệt mà đồng nghiệp khác không nhìn ra được. Đấy mới là người làm báo giỏi.

“Vừa rồi Lào Cai có vụ nước trong giếng nóng lên gây tranh cãi. Các báo khai thác theo hướng hỏi các nhà khoa học. Các nhà khoa học nói Lào Cai nằm ở vị trí đứt gãy của dãy Hoàng Liên Sơn, nên rất có thể hoạt động của núi lửa đã làm nước nóng lên. Nhưng có một nhà báo đã đi thực tế, gặp chủ nhà và nhân viên điện lực để tìm hiểu sự việc thì thấy rằng, nước giếng nóng lên là do dây điện của máy hút nước bị hở, gây phóng lửa làm cho nước nóng lên. Việc đi của nhà báo đã chấm dứt sự tranh cãi. Đấy là nhà báo giỏi” - ông dẫn chứng./.

Nhà báo Trần Đức Chính sinh năm 1944, từng là học sinh cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội), sinh viên khoa Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Văn hóa Leeningrát (Liên Xô cũ). Công tác tại báo Lao Động từ cuối năm 1967. Ông nghỉ hưu với cương vị Phó TBT báo Lao Động, nhưng đến giờ ông vẫn viết bài đều đặn cho báo Lao Động và một số tờ báo khác. Ngoài viết báo, ông cũng tham gia giảng dạy báo chí và tham gia BGK Giải báo chí quốc gia.

Nhật Minh