Nhận diện hành vi để ngăn chặn mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép
Các cấp, ngành cùng vào cuộc với ngành Thuế để ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Ảnh tư liệu

Nhận diện nhiều thủ đoạn

Cục Thuế tỉnh Bạc Liêu vừa có động thái rất chủ động, đó là gửi thư ngỏ tới các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn về mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm tuân thủ pháp luật trong hoạt động lĩnh vực thuế.

Theo ông Hứa Kim Lâm - Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Bạc Liêu, thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng lợi dụng quy định sự thông thoáng trong đăng ký kinh doanh để thành lập một hoặc chuỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thông qua việc sử dụng giấy chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân của một số người thiếu hiểu biết, hám lợi, bị mất cắp hoặc giả mạo, hoạt động trong một chu kỳ ngắn rồi bỏ trốn, mất tích.

Cơ quan thuế phối hợp Công an ngăn chặn gian lận hóa đơn

Tính riêng năm 2023, thực hiện công tác phối hợp với cơ quan công an trong đấu tranh chống gian lận hoá đơn, cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố 88 hồ sơ; nhận được 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ của cơ quan công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế của cơ quan công an.

Một thủ đoạn khác, các đối tượng mua lại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động yếu kém, sắp giải thể, phá sản… sau đó thay đổi người đại diện pháp luật để bán hóa đơn khống bất hợp pháp trốn thuế, thu lợi bất chính. Một số doanh nghiệp đã móc nối với các đối tượng rao bán để thực hiện hành vi mua hóa đơn khống nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước thông qua việc khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, giảm số thuế GTGT phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN)… Nhiều trường hợp, sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hợp thức hoá hàng buôn lậu, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp; thậm chí, sử dụng hóa đơn đầu vào để tăng số thuế được hoàn.

Bà Lê Thị Thu Hương – nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Than miền Nam (Vinacomin), người có nhiều năm làm kế toán doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ cách nhận biết các đối tượng vi phạm phổ biến hiện nay: Các đối tượng thường thuê người đứng tên các công ty, thuê địa chỉ rồi sau đó thành lập công ty, đăng ký hóa đơn sau đó mua bán vòng vèo giữa các công ty với nhau hoặc bán hóa đơn cho các công ty có nhu cầu để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào... Ban đầu họ khai và nộp thuế đầy đủ, nhưng sau đó sẽ không kê khai và nộp thuế nữa.

Điển hình gần đây, nhiều vụ án gian lận hoá đơn đã bị phát hiện, xử lý như: Vụ án mua bán hóa đơn GTGT bất hợp pháp do Nguyễn Minh Tú cầm đầu tại tỉnh Phú Thọ đã được đưa ra xét xử vào cuối năm 2023. Trong vụ án này, các đối tượng bán hơn 1 triệu hóa đơn cho hơn 88 nghìn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tổng doanh số bất hợp pháp lên tới gần 64.000 tỷ đồng.

Thêm một vụ án khác xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, tháng 7/2024 cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố Lê Thanh Phúc cùng 16 bị can trong vụ án mua bán hóa đơn trái phép và trốn thuế quy mô lớn, với tổng số tiền hơn 3.200 tỷ đồng...

Khẩn trương vào cuộc với nhiều giải pháp

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường quản lý thuế; phòng, chống gian lận hoá đơn; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế. Đặc biệt là công tác phối hợp với cơ quan công an trong đấu tranh chống gian lận hoá đơn. Cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố nhiều vụ án với hành vi mua bán hóa đơn, buôn lậu và trốn thuế...

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn từng bước đi đến triệt để tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp của các ngành các cấp, từ trung ương đến địa phương, trong đó vai trò ngành Thuế làm chủ trì, tổ chức, phối hợp, thực hiện.

LS. Đỗ Đăng Khoa - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để kiểm soát, ngăn chặn vấn nạn thành lập doanh nghiệp “ma” để bán hóa đơn khống thu lợi bất chính và mua hóa đơn khống để trốn thuế, cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ban ngành chức năng. Việc cải cách thủ tục hành chính, số hóa là tất yếu để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tham gia thị trường, nhanh chóng, chủ động nắm bắt cơ hội kinh doanh. Nhưng đi kèm với đó sẽ tạo ra kẽ hở, vậy nên cần phải “tiền đăng, hậu kiểm”, đặc biệt là hậu kiểm ngày từ khi doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động.

Về mặt pháp lý, cơ quan có thẩm quyền được phép thanh, kiểm tra đã quy định rõ gồm: phòng đăng ký kinh doanh (thuộc sở kế hoạch và đầu tư); chi cục thuế, cục thuế; cơ quan quản lý thị trường. Nếu các cơ quan này phối hợp kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý thường xuyên thì sẽ ngăn chặn được vấn nạn doanh nghiệp “ma”, hóa đơn khống.

Theo TS. Đoàn Ngọc Phúc – Trưởng khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tài chính – Marketing, giải pháp cần tập trung nhất hiện nay là tăng cường quản lý chặt khâu thành lập doanh nghiệp, cụ thể là quản lý chặt nguồn cung. Cùng với đó là sự phối hợp thuế - hải quan – ngân hàng để truy vết; đồng thời phải minh bạch và công khai hóa để người mua hóa đơn biết mà tránh; quản lý chặt trên không gian mạng. Tại các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp nguời dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức tuân thủ về nghĩa vụ chấp hành pháp luật thuế; chủ động cảnh báo kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm về thuế khi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Nhận diện hành vi để ngăn chặn mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép

BÀ LÊ THỊ THU HƯƠNG - NGUYÊN KẾ TOÁN TRƯỞNG CÔNG TY VINACOMIN: Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế

Hiện nay do cơ quan thuế đã cấp mã cho các công ty nên tất cả các hoá đơn hợp lệ là hoá đơn có mã của cơ quan thuế. Để tránh không mua bán với các doanh nghiệp sử dụng hoá đơn bất hợp pháp thì trước tiên phải tìm hiểu công ty đó có hoạt động tại trụ sở đã đăng ký không? Đồng thời, ký hợp đồng với giám đốc hoặc người được uỷ quyền theo đúng pháp luật; hàng hoá phải có kho chứa hàng; doanh nghiệp đang hoạt động bình thường (tra trên thông tin của Tổng cục Thuế).

Tuy nhiên trước kia chưa được cấp mã thì tình trạng này kéo dài, nhưng hiện nay, nếu không kê khai nộp thuế thì cơ quan thuế sẽ khóa mã số thuế ngay và công ty đó không xuất được hóa đơn.

Nhận diện hành vi để ngăn chặn mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép

LUẬT SƯ TRẦN THỊ THANH NGUYÊN - ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH: Cách kiểm tra các trường hợp cần nghi vấn

Để nhận biết phòng ngừa hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, người dân, doanh nghiệp cần thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động và thông tin của doanh nghiệp được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và trang thông tin của cơ quan thuế.

Cách nhận biết: Người đại diện theo pháp luật không phải người trực tiếp tiến hành giao dịch, điều hành hoạt động kinh doanh; người điều hành doanh nghiệp và cổ đông/thành viên của công ty rất trẻ trong khi quy mô vốn điều lệ của công ty lớn; doanh nghiệp sử dụng trụ sở là cơ sở cho thuê văn phòng ảo; doanh nghiệp cung cấp hàng hoá, dịch vụ nhưng không cung cấp hoá đơn giá trị gia tăng; doanh nghiệp bị cơ quan thuế cập nhật tình trạng hoạt động là “không hoạt động tại trụ sở”; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đồng thời làm đại diện theo pháp luật cho rất nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại địa phương khác; vốn điều lệ của doanh nghiệp cao bất thường… Sơn Nam (ghi)