Phát hiện hơn 2.181 vụ vi phạm

Thông tin từ Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho hay, trong 9 tháng năm 2022, đơn vị đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, lập biên bản và bắt giữ 2.181 vụ vi phạm pháp luật hải quan với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính lên đến hơn 2.527 tỷ đồng. Số tiền phạt từ các vụ vi phạm này thu về cho ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 25,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, đơn vị đã chuyển 43 hồ sơ vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự cho cơ quan chức năng đề nghị khởi tố theo thẩm quyền.

Theo ông Đinh Ngọc Thắng – Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, để có được kết quả trên, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã quán triệt, nghiêm túc triển khai các nội dung chỉ đạo trong công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép ma túy; chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch, chuyên đề nhằm triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm; đồng thời, thu thập thông tin về địa bàn, tuyến vận chuyển hàng hóa, vụ việc, hiện tượng, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và người có liên quan; thu thập thông tin về cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có dấu hiệu hoạt động liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đặc biệt chú ý đến tình trạng cất giấu ma túy trong các kiện hàng xuất nhập khẩu (XNK) gửi qua đường hàng không.

Nguồn: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Đồ họa: Thế Dương

Nổi bật nhất trong công tác chống buôn lậu của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh từ đầu năm là triệt phá thành công nhiều vụ việc, chuyên án về vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không và chuyển phát nhanh. Cụ thể là phát hiện 70 vụ vi phạm liên quan đến vận chuyển trái phép hàng cấm với trọng lượng lên đến 168,5 kg ma túy các loại, gồm: 106,9 kg cần sa; 18 kg heroine; 19,43 kg MDMA; 13,46 kg tiền chất các loại; 9,65 kg methamphetamine; 320 gram Cocaine; 760 gram Ketamine. Đội Kiểm soát phòng chống ma túy đã và đang phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành, thực hiện chuyên án phá đường dây xuất khẩu trái phép ma túy đi Australia. Bước đầu đã phát hiện nhiều vụ vi phạm, thu giữ hàng chục kg ma túy các loại, bắt được một số đối tượng có liên quan. Chuyên án này hiện đang được Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh mở rộng, điều tra. Ngoài ra là vụ bắt giữ gần 700 kg hàng hóa vi phạm công ước CITES vận chuyển đường biển từ đảo Batam (Indonesia) đến cảng Cát Lái; phát hiện thu giữ 1 triệu USD nhuộm đen chuyển lậu ra nước ngoài…

Nhiều biện pháp kiểm soát hiệu quả buôn lậu cuối năm

Thực tế cho thấy, hoạt động XNK qua các cửa khẩu TP. Hồ Chí Minh cơ bản đã hồi phục trở lại từ đầu năm 2022 đến nay, khi mà kim ngạch XNK hàng hóa tăng đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp pháp luật hải quan cũng gia tăng. Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các vụ vi phạm, nhất là vào thời điểm cuối năm khi lượng hàng hóa XNK có xu hướng gia tăng, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị hải quan cửa khẩu, các phòng tham mưu triển khai hiệu quả các kế hoạch chống buôn lậu của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; kế hoạch của ngành, của đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp với Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) để nâng cao hiệu quả xác định trọng điểm trong lựa chọn kiểm tra hàng bằng máy soi container, đặc biệt đối với hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất, hàng bách hóa... đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực trang thiết bị, cơ sở vật chất, con người; nâng cao tỷ lệ phát hiện vi phạm, tiết kiệm chi phí khi tăng tỷ lệ kiểm tra hàng hóa qua máy soi container.

Tăng kiểm tra, ngăn chặn lợi dụng điều chỉnh manifest

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh mới đây kiến nghị điều chỉnh các chương trình quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ lệ kiểm tra hàng xuất khẩu theo tuyến đường, mặt hàng trọng điểm; lựa chọn và kiểm tra đột xuất hoặc đưa vào soi chiếu xác suất các lô hàng xuất khẩu được hệ thống phân luồng Xanh, luồng Vàng để đánh giá tính tuân thủ của doanh nghiệp; bên cạnh đó là biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng lợi dụng điều chỉnh manifest (bản kê khai thông tin hàng hóa thông quan) để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; giải quyết, ngăn chặn tình trạng lợi dụng điều chỉnh manifest khi lô hàng đang bị cơ quan hải quan theo dõi, lô hàng vi phạm thuộc tờ khai được hệ thống phân luồng Đỏ…

Bên cạnh đó, ông Đinh Ngọc Thắng cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác chống buôn lậu trên tất cả các tuyến, địa bàn trọng điểm, trọng tâm đối với các mặt hàng cấm, hàng hóa có giá trị lớn, thuế suất cao, XNK có điều kiện; đặc biệt chú ý tình trạng gian lận C/O để lợi dụng ưu đãi thuế, mặt hàng xăng dầu và nguyên liệu sản xuất xăng dầu; thuốc và trang thiết bị y tế; hàng bách hóa tổng hợp các loại hình gia công, sản xuất, xuất khẩu, đầu tư miễn thuế, vận chuyển độc lập, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, gửi kho ngoại quan, hàng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, giao dịch thương mại điện tử... nhằm ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời.

Lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiệu quả các kế hoạch kiểm soát rủi ro trọng tâm năm 2022; yêu cầu các vị trí được phân công quản lý rủi ro phải quan tâm và triển khai đầy đủ văn bản quy định, hướng dẫn để thu thập xử lý thông tin, phân tích rủi ro, đặc biệt đối với rủi ro hàng luồng Xanh, rủi ro hàng xuất khẩu, rủi ro giám sát... để cảnh báo, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm…

TP. Hồ Chí Minh: Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu tăng hơn 19%

Lũy kế 9 tháng năm 2022, toàn Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thu ngân sách nhà nước được 104.620 tỷ đồng, đạt 89,8% dự toán pháp lệnh và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương tăng 17.165 tỷ đồng. Nguyên nhân nguồn thu ngân sách đạt khá chủ yếu do kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) tăng nhanh. Cụ thể, tổng kim ngạch XNK do đơn vị làm thủ tục thông quan trong kỳ ước đạt 111,1 tỷ USD, tăng 15,9% (so với cùng kỳ năm 2021), tương đương tăng 15,2 tỷ USD.

Số liệu thống kê từ Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ đầu năm, nhiều mặt hàng XNK có kim ngạch tăng cao so với với cùng kỳ, đóng góp chính tăng thu cho ngân sách. Trong đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng cao như xăng dầu các loại. Lũy kế đến 30/9/2022 kim ngạch nhập khẩu xăng dầu đạt 3,7 tỷ USD, tăng 139%, tương đương tăng hơn 2 tỷ USD; số thuế thu nộp ngân sách trên 14.397 tỷ đồng, tăng 176,7% tương đương tăng 9.193 tỷ đồng. Mặt hàng sắt thép các loại có kim ngạch nhập khẩu đạt 2,21 tỷ USD, tăng 6,9%, đóng góp cho ngân sách 4.401 tỷ đồng, tăng 32,17% tương đương tăng 1.071 tỷ đồng; sản phẩm hóa chất kim ngạch ước đạt 1,86 tỷ USD, tăng 15,4%, đóng góp cho ngân sách 4.080 tỷ, tăng 477 tỷ đồng; điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 26,7%, với số thuế thu nộp ngân sách 2.885 tỷ đồng, tăng 611 tỷ đồng…

Bên cạnh nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng như vừa nêu, nhiều mặt hàng xuất khẩu cũng có kim ngạch tăng cao, đóng góp cho số thu gần 400 tỷ đồng. Cụ thể như phân bón các loại có kim ngạch tăng hơn 3 lần, ước đạt 320 triệu USD, đóng góp cho ngân sách trên 211 tỷ đồng, chiếm 45,3% tổng số thu thuế từ hàng xuất khẩu; thủy sản xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD, tăng 76% tương đương tăng 1,7 tỷ USD; gạo xuất khẩu 2,2 tỷ USD, tăng 5,8%... Riêng mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 12,8 tỷ USD, giảm 7% tương đương giảm gần 1 tỷ USD.

Theo lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trước tình hình hàng hóa XNK có xu hướng giảm, để hoàn thành chỉ tiêu ngân sách nhà nước, đơn vị tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống buôn lậu, gian lận thương mại để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao.