Gần 200 cổ phiếu giảm hết biên độ

Phiên cuối tuần qua đã là tín hiệu cảnh báo ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, khi số lượng giảm sàn tuy ít, nhưng số lượng giảm giá khá nhiều. Số liệu từ 2 sàn niêm yết cũng đã thể hiện hơn 320 cổ phiếu giảm trên 2%. Đây là mức thiệt hại chưa nhiều, vì các mã đầu cơ nếu tăng thường kịch trần hoặc 4-5% là bình thường.

Sáng nay thị trường giao dịch thận trọng, cổ phiếu đầu cơ tiếp tục giảm nhưng chưa phải là bán tháo. Chỉ hơn chục mã giảm sàn, số còn lại giảm 2-3%. Tuy nhiên sang chiều nhu cầu thoát hàng đã tăng vọt, lực bán liên tục gia tăng đã cuốn hết lực cầu bắt đáy, ép cổ phiếu giảm sàn la liệt.

Thống kê trên hai sàn niêm yết đã có 166 cổ phiếu đóng cửa ở mức sàn. UpCOM có thêm 30 mã. Hàng chục triệu đơn vị bán tháo xuất hiện tại HAG, DIG, DLG, HBC, HQC, GEX, TTF, DXG, FIT, ROS, SCR, LDG... Đây là hiệu ứng ngược của tình trạng tăng nóng mà không có thanh khoản trước đó. Do nhà đầu cơ mua rồi nắm giữ chặt, đẩy giá tăng liên tục mà không xả bớt ra nên càng lên cao, cổ phiếu có lãi càng tích lại nhiều, trong khi lượng tiền mua lại giảm đi.

Bán tháo dồn dập, cổ phiếu đầu cơ giảm sàn la liệt
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Đây không phải lần đầu tiên thị trường xuất hiện tình trạng bán sàn cả loạt như vậy. Điểm khác lần này là số lượng nhà đầu tư mới quá nhiều. Lượng tiền mới này chưa từng trải qua cú sốc kiểu này. Mặt khác, càng đông nhà đầu tư mới, thị trường càng dễ hoảng loạn vì những phản ứng cảm tính hơn rất nhiều. Quy mô của quả bóng đầu cơ lớn hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử, lại tập hợp một đám đông hỗn loạn hơn.

Dù vậy cũng không thể coi thường dòng tiền nóng mới vào. Hiện chỉ những nhà đầu cơ mới mua tuần trước mà cổ phiếu chưa về tài khoản mới bắt đầu rủi ro. Những người sẵn sàng bán chỉ lo nhất là mất thanh khoản liên tục, còn nếu vẫn bán được thì lợi nhuận còn tốt.

Mặt khác, nhiều cổ phiếu đầu cơ không được các công ty chứng khoán cung cấp margin (nếu theo luật), nên có thể một phần tiền đang đầu cơ không chịu áp lực giải chấp. Các nhà đầu tư mới thường có khả năng chịu lỗ lớn, vì cho rằng chưa bán thì chưa lỗ. Vì vậy có thể hoạt động đầu cơ vẫn còn năng lượng, ít nhất cho đến khi dòng tiền tham lam bị mắc kẹt phần lớn.

Cổ phiếu ngân hàng chống đỡ chỉ số

Phiên cuối tuần qua cũng có hiện tượng khác thường, là nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền trở lại. Hôm nay gần như chỉ có nhóm cổ phiếu này là tăng toàn bộ. Trong gần ba chục cổ phiếu ngân hàng giao dịch ở 3 sàn, chỉ có EIB và PGB là đóng cửa đỏ.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhỏ tăng cực mạnh, trong đó HDB, TPB và VIB kịch trần. Điểm thú vị là các mã ngân hàng nhỏ thực chất cũng có tính đầu cơ rất cao. Có lẽ đây là điểm tương thích giữa trào lưu đầu cơ và sự dịch chuyển nhóm ngành. VBB, BAB, MSB, SGB, ABB tăng trên 6% hôm nay.

Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng lớn giao dịch lại hiền hơn. VCB tăng 1,8%, BID tăng 2,6%, CTG tăng 5,2%, TCB tăng 1,5%, VPB tăng 1,4%. Do các mã này không đủ khỏe, nên VN-Index cuối cùng vẫn bị ép giảm hơn 5 điểm phiên này.

Nhóm blue-chips hôm nay về cơ bản là mạnh. Rổ VN30 đóng cửa với 19 mã tăng/10 mã giảm. Chỉ số đại diện rổ cũng tăng 1,13%. Câu chuyện nằm ở câu trúc của chỉ số: Các mã ngân hàng có ảnh hưởng rất lớn tới VN30-Index. Trong khi đó các trụ lớn của VN-Index lại giảm mạnh: GAS giảm 3,68%, PLX giảm 3,89%, GVR giảm 5,57%...

Dòng tiền không hẳn cực mạnh ở nhóm blue-chips, rổ VN30 hôm nay giảm giao dịch tới trên 19% so với phiên trước. Tuy vậy, dường như tâm lý rất kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, nên giá tăng tốt. Nhà đầu tư cũng chỉ bán ra nhẹ nhàng, một phần vì các mã này gần đây tạo thua lỗ nhiều hơn là có lãi. Nhóm cổ phiếu này sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường vì dòng tiền sẽ phản ứng với các tín hiệu giao dịch tại đây.

Bán tháo dồn dập, cổ phiếu đầu cơ giảm sàn la liệt

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

34.264 tỷ đồng (-21%)

1209,48 triệu (-17%)

4.815 tỷ đồng (-24%)

180,6 triệu (-28%)