Hoàn thành nhiều đề án chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Theo báo cáo của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Cục QLGSCST), năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới nước ta.

Ở trong nước, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục QLGSCST đã kịp thời đề xuất các chính sách thuế, phí và lệ phí, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Nỗ lực tham mưu chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Cục QLGSCST đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác được giao, góp phần vào sự thành công của Bộ Tài chính, của ngành trong việc thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Chính phủ, cũng như trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, cục đã hoàn thành 51 đề án, trong đó: 12 đề án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH; 10 đề án thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 29 đề án thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Cụ thể, với 29 đề án nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuế, phí và lệ phí thuộc chương trình công tác của Chính phủ và Bộ Tài chính nhằm triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác, Cục QLGSCST đã hoàn thành: đề án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH (8 đề án hoàn thành theo tiến độ); lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi); lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB sửa đổi).

Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp vào đề nghị của Chính phủ bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Đối với Luật Thuế TTĐB, sau khi ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan để báo cáo Chính phủ; đồng thời gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật sang Bộ Tư pháp bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội.

Cục QLGSCST đã lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi; Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT); Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Thuế tài nguyên; Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN), Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN); Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu...

Đáng lưu ý trong năm 2023, Cục QLGSCST đã trình các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng 22 đề án liên quan đến chính sách thuế, phí và lệ phí để xử lý những vấn đề quan trọng phát sinh ngoài chương trình công tác của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Đánh giá tổng thể 10 luật thuế, phí, lệ phí

Chính sách thuế, phí, lệ phí trình cấp có thẩm quyền ban hành trong năm 2023 được đánh giá kịp thời, chất lượng, hiệu quả; được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.

Chính sách pháp luật tài chính ngày càng đồng bộ, khả thi, minh bạch
Chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Các cơ chế, chính sách do Cục QLGSCST chủ trì soạn thảo trình các cấp có thẩm quyền ban hành đã bảo đảm góp phần ổn định thu ngân sách nhà nước, đáp ứng các cam kết hội nhập quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển, khích lệ tinh thần và tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân.

Trong thời gian tới, Cục QLGSCST tiếp tục tập trung đánh giá quá trình thực hiện tổng thể 10 luật thuế, phí, lệ phí và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung để báo cáo Chính phủ, UBTVQH, Quốc hội.

Đồng thời, cục đánh giá việc thực hiện các giải pháp về thuế, phí và lệ phí đã ban hành thời gian qua để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và theo dõi sát sao diễn biến tình hình thực tế để đề xuất giải pháp phù hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá cao kết quả đạt được của Cục QLGSCST thời gian qua. Theo Thứ trưởng, Cục QLGSCST hiện nay đảm nhận việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật rất lớn, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Thời gian qua, Cục QLGSCST cũng phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, nhiệm vụ trong năm 2024 của Cục QLGSCST là hết sức nặng nề, do đó đơn vị phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong năm 2024, Cục QLGSCST tập trung xây dựng để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ, UBTVQH, Quốc hội các đề án văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, như: dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi)...; nghị quyết của UBTVQH về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024; đồng thời, thực hiện các đề án phát sinh khác theo chỉ đạo để phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

4 năm hỗ trợ lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng

Về tổng thể, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua ở mức lớn chưa từng có, chiếm khoảng 8,3% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế.

Điểm lại 4 năm qua, có thể thấy: Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ trong 4 năm qua lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng, năm 2023 khoảng 196 nghìn tỷ đồng.