Hỗ trợ thực hiện mục tiêu xã hội

Trước đây, tất cả các vấn đề xã hội từ hỗ trợ hộ nghèo, người khuyết tật...cho đến giáo dục, y tế, an toàn thực phẩm, xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường…đều phải giải quyết bằng nguồn vốn đầu tư công của chính phủ.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, trên thị trường xuất hiện một loại hình DN đặc biệt, đó là DNXH. Và xa hơn là những nguồn vốn đầu tư xã hội bắt nguồn từ các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế dành cho Việt Nam. Hay là từ chính những DN Việt Nam với nguồn vốn xã hội hóa.

Mô hình phát triển đầu tư xã hội và các doanh nghiệp xã hội được ví như việc dạy cho những ngư dân biết cách câu cá, đưa cho họ công cụ để câu cá, và kết nối họ với thị trường tiêu thụ để làm thế nào giúp họ bán cá, thu lại lợi nhuận một cách hiệu quả.

Ông Javier Ayala

Với con số 28% dân số thuộc diện đối tượng cần hỗ trợ và một loạt các vấn đề xã hội thì loại hình DNXH hiện được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển. Đồng thời là những đối tác hiệu quả giúp Chính phủ thực hiện được các mục tiêu xã hội.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Loại hình DN này có sự kết hợp giữa tính chất của một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận với tính chất của một DN. Nó có thể là có lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận nhưng mục tiêu chủ yếu là hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn đề về cộng đồng, môi trường.

“Việc thúc đẩy các loại hình DNXH trong điều kiện nước ta hiện nay là rất cần thiết. Trên thế giới, có nhiều nước đã ban hành luật về DNXH và những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển những DN này”, ông Lộc nhấn mạnh.

Nói về DNXH, ông Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết thêm: DNXH sẽ đồng hành, bổ sung cho các cơ quan chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, và có thể cạnh tranh với những tổ chức của nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội.

DNXH nở rộ

Hiện nước ta có khoảng 200 DNXH và gần 30.000 tổ chức có tiềm năng trở thành DNXH. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang trở thành một thị trường mới nổi đầy tiềm năng cho những nguồn vốn đầu tư mang mục đích xã hội.

Đánh giá về tiềm năng và xu thế phát triển DNXH tại Việt Nam, ông Javier Ayala, Giám đốc Điều hành Quỹ Thách thức DNVN nói: Khi đến Việt Nam vào năm 2010, chúng tôi gặp phải sức ép rất lớn bởi mô hình kinh doanh xã hội là lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam, gần như chúng tôi mới chỉ đang ở những giai đoạn đầu tiên trong việc xây dựng một mô hình kinh doanh xã hội tại đây. Tuy nhiên, đến lúc này tôi nhận thấy DNXH đang phát triển sôi động tại nước các bạn. Rất nhiều DN đã hiểu được giá trị của loại hình kinh doanh này. Nên họ không chỉ tập trung duy nhất vào yếu tố lợi nhuận như trước kia mà đã hiểu được ý nghĩa, giá trị của sự phát triển bền vững cùng những tác động tích cực tới xã hội.

Ông Nguyễn Quang Vinh - GĐ Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI cho biết thêm: DNXH vừa phải tạo ra lợi ích về kinh tế, đồng thời phải đem lại lợi ích về mặt xã hội. Tuy nhiên, hai mục tiêu này không trái ngược nhau, khi mình xây dựng những mô hình kinh doanh tốt đồng thời lại tạo công ăn việc làm cho người lao động thì điều đó rất tốt về mặt xã hội.

Một trong những DN mới nổi về mô hình kinh doanh xã hội là Cty TNHH TM Hùng Cường, đại diện DN - ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Hiện công ty đang tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 hộ trồng chè. Đồng thời, chúng tôi cũng cung cấp cho các hộ trồng chè về công nghệ, kỹ thuật để tăng năng suất lao động. Điều này, cả DN và người dân đều có lợi, người dân tăng thu nhập,chúng tôi thì thu mua được hàng hóa đầu vào chất lượng. Như vậy, vừa tốt về mặt kinh tế, hiệu quả kinh tế cao vừa tạo tác động lan tỏa tích cực về mặt xã hội”./.

Tố Uyên