![]() |
Giá lợn hơi tăng khiến tiểu thương cũng phải điều chỉnh giá bán. Ảnh tư liệu |
Nguồn cung giảm, thịt lợn, rau xanh đua nhau tăng giá
Cụ thể, tại miền Bắc, giá rau xanh đã tăng từ 30 - 50% so với thời điểm trước đợt rét đậm. Tại các chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở Hà Nội, một số loại rau như cải ngọt, rau muống, rau cải cúc, bắp cải... đều có mức giá cao hơn đáng kể, giá mỗi kg rau củ cũng được điều chỉnh tăng từ 5.000 - 15.000 đồng, tùy theo loại.
Minh bạch thông tin về giáBan Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin và công tác điều hành giá của Chính phủ, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến đời sống người dân, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp ngay từ thời điểm đầu năm. |
Ví dụ, rau mồng tơi, rau muống có giá 20.000 - 25.000 đồng/bó; rau cải xanh, cải ngọt, cải ngồng giá 25.000 - 30.000/kg; rau cải cúc giá 15.000 đồng/bó; xà lách giá 30.000 - 60.0000 đồng/kg tùy loại, bắp cải giá 20.000 đồng/kg... Giá các loại rau thơm, rau gia vị cũng tăng khoảng 20%.
Tương tự, giá thịt lợn, thịt bò, thịt gà đều có xu hướng tăng. Đơn cử, giá lợn hơi bắt đầu tăng từ sau Tết và không có dấu hiệu giảm. Ban đầu, giá chỉ tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg nhưng sau nhiều lần tăng liên tục, giá đã cao hơn 10.000 đồng/kg so với trước Tết. Thậm chí, hiện nay giá lợn hơi tại khu vực miền Nam tiếp tục xu hướng tăng mạnh, đạt đỉnh với mức 80.000 đồng/kg ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bến Tre.
Giá lợn hơi tăng khiến tiểu thương cũng phải điều chỉnh giá bán thịt lợn lên mức 130.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại. Như vậy, giá lợn hơi, thịt lợn tăng cao sau Tết Nguyên đán do dịch bệnh, thiên tai dẫn đến thiếu nguồn cung.
Nhận định về nguồn cung thịt lợn, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) Dương Tất Thắng cho biết, hiện tượng thiếu hụt nguồn cung lợn hơi hiện nay chỉ là cục bộ và khẳng định nguồn thịt lợn hơi thiếu hụt lần này không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng; giá có biến động tăng nhưng không bất thường. Tuy nhiên, phía Bộ NN&PTNT cũng dự báo, trên thị trường quốc tế, sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2025 dự kiến giảm do nhu cầu yếu và nguồn cung lợn giết mổ hạn chế. Những biến động này có thể tác động đến giá cả và nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam thời gian tới.
Bên cạnh đó, giá thịt bò cũng tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg, lên mức 260.000 - 275.000 đồng/kg. Thịt gà công nghiệp từ mức 60.000 đồng/kg đã tăng lên khoảng 75.000 đồng/kg. Giá thủy hải sản vẫn giữ ở mức cao, tôm sú (loại 26 - 30 con/kg) 450.000 - 600.000 đồng/kg; mực 250.000 - 350.000 đồng/kg; cá chép, trắm cỏ 100.000 - 120.000 đồng/kg...
Theo giới phân tích, dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng với các biện pháp điều tiết hợp lý, thị trường thực phẩm tại sẽ sớm ổn định trở lại, giúp người dân bớt đi nỗi lo về giá cả leo thang trong những ngày giá rét.
Để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả, đặc biệt đối với mặt hàng thiết yếu, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay, các sở công thương, tỉnh thành phố cần có chỉ đạo thường xuyên với hệ thống phân phối để đảm bảo không bị thiếu hàng, “đứt” hàng, giá cả tăng quá cao làm ảnh hưởng đến túi tiền người tiêu dùng.
Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng
Định hướng công tác điều hành đảm bảo nguồn cung, kiểm soát giá, thúc đẩy tiêu thụ năm 2025, mới đây, Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Đặc biệt, các bộ, ngành tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về giá đối với các mặt hàng theo lĩnh vực quản lý.
Trong đó, về lương thực, thực phẩm, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương theo dõi sát tình hình sản xuất, biến động giá các yếu tố đầu vào, nhu cầu tiêu dùng của thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu như lúa gạo, thịt lợn, các vật tư nông nghiệp… để kịp thời điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu… làm việc chặt chẽ với các nhà máy sản xuất trong nước để nắm bắt được kế hoạch sản lượng cung ứng trong năm. Đồng thời, xác định các nguồn nhập khẩu phù hợp để đảm bảo đủ hàng hóa, tránh tình trạng thiếu hụt, chú trọng công tác dự trữ xăng dầu để đảm bảo nguồn cung ổn định và kịp thời trong mọi tình huống…
Đối với công tác điều hành giá mặt hàng quan trọng, thiết yếu khác, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp …, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến./.