sở hữu trí tuệ

QH thông qua luật với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: T.T

Sáng 14/6, với 92,56% đại biểu Quốc hội (QH) tán thành, QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (khoản 4 và khoản 5 Điều 198, khoản 1 Điều 205 của Luật Sở hữu trí tuệ), thảo luận trước đó, đa số ý kiến nhất trí với nội dung buộc nguyên đơn phải bồi thường chi phí thuê luật sư. Đồng thời đề nghị xác định nguyên tắc về hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp thu ý kiến đa số đại biểu QH (ĐBQH) và bổ sung vào dự thảo luật. Theo đó, luật được thông qua đã quy định rõ: tổ chức, cá nhân là bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu được tòa án kết luận là không thực hiện hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu tòa án buộc nguyên đơn thanh toán cho mình chi phí hợp lý để thuê luật sư hoặc các chi phí khác theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án buộc bên lạm dụng thủ tục đó phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra, trong đó bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư. Hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm hành vi cố ý vượt quá phạm vi hoặc mục tiêu của thủ tục này.

Giải trình về thủ tục áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan (khoản 1 Điều 218 của Luật Sở hữu trí tuệ), UBTVQH cho rằng, quy định tại Hiệp định CPTPP yêu cầu cung cấp cho chủ thể quyền các thông tin liên quan đến lô hàng, trong đó riêng đối với nước xuất xứ của hàng hóa thì cơ quan hải quan chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin nếu biết được thông tin đó. Pháp luật hiện hành mới chỉ đáp ứng được một phần nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của hiệp định.

Do đó, luật đã quy định cụ thể: Khi người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 217 của luật này thì cơ quan hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng. Cơ quan hải quan cung cấp cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông tin về tên và địa chỉ của người gửi hàng; nhà xuất khẩu, người nhận hàng hoặc nhà nhập khẩu; bản mô tả hàng hoá; số lượng hàng hoá; nước xuất xứ của hàng hoá nếu biết, trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp hành chính để xử lý đối với hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu và hàng hóa sao chép lậu theo quy định tại khoản 4 Điều 216 của luật này.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2019./.

Minh Anh