Đề nghị xử lý nghiêm vi phạm bán thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 Cấp giấy đăng ký lưu hành cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19

Trước đó, vào tháng 8/2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam, trên cơ sở kết quả những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir cho thấy tính an toàn và hiệu quả của thuốc, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu (Bệnh viện Phổi Trung ương, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với các sở y tế để triển khai Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ.

Phân bổ hơn 400.000 liều thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 cho 53 địa phương
Bộ Y tế đã phân bổ hơn 400.000 liều thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 cho 53 địa phương. Ảnh: TL.

Việc triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir tuân thủ đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt.

Các tiêu chí tuyển chọn được tiến hành theo đề cương nghiên cứu tuân thủ các tiêu chí lựa chọn và loại trừ bệnh nhân trong các thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn nghiên cứu phát triển thuốc, trong đó tiêu chuẩn lựa chọn bao gồm đối tượng phải trên 18 tuổi, có SpO2≥ 94%, có thể dùng thuốc bằng đường uống…

Tiêu chuẩn loại trừ bao gồm người bệnh quá mẫn hoặc chống chỉ định với thuốc, tiền sử mắc virus viêm gan B hoặc C kèm xơ gan, bệnh gan giai đoạn cuối, ung thư biểu mô tế bào gan, tiền sử viêm tụy cấp, viêm tụy mạn, tổn thương thận cấp hoặc suy thận nặng, phụ nữ có thai, đang cho con bú...

Thuốc cũng đã được đưa vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 6/10/2021, sử dụng trong phạm vi nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng theo đề cương nghiên cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Việc thu dung điều trị, theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá bệnh nhân trong chương trình được tiến hành bởi các nhân viên y tế để đánh giá các tiêu chí an toàn và hiệu quả của thuốc theo đề cương nghiên cứu. Bên cạnh đó, do thuốc chưa được cấp phép lưu hành rộng rãi nên việc quản lý thuốc nghiên cứu cần được thực hiện hết sức chặt chẽ để tránh thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích của chương trình.

Bộ Y tế đã có một số văn bản đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, thông tin quảng cáo thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19 và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, tăng giá thuốc bất hợp lý.

Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung thanh tra, kiểm tra thông tin về việc bán thuốc Molnupiravir tại các nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội, làm rõ thông tin báo phản ánh, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc./.