Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: D.Thiện

Các thông tin này được đưa ra tại “Hội thảo về hủy phán quyết trọng tài, công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam” tổ chức sáng nay (18/10).

Tại hội thảo, ông Lê Hồng Sơn – Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, trọng tài là một thiết chế giải quyết tranh chấp được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhất là trong giải quyết các bất đồng, tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Trọng tài lại càng trở nên hấp dẫn trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay khi mà tầm hoạt động của các doanh nghiệp, thương nhân ngày nay có xu thế vượt ra ngoài lãnh thổ một quốc gia.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước cũng có chủ trương thúc đẩy phát triển luật về trọng tài như ban hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, các quy định liên quan tại Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự…

Tuy nhiên, theo ông Sơn, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động trọng tài vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu giảm tải cho tòa án, chưa ngang tầm với tình hình phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đặc biệt, lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp khi lựa chọn trọng tài thương mại là phán quyết trọng tài bị hủy hoặc quyết định trọng tài nước ngoài không được công nhận và thi hành.

Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trong giai đoạn Pháp lệnh Trọng tài thương mại có hiệu lực (2003-2010) có 25% số phán quyết trọng tài thương mại bị hủy, nhưng đến giai đoạn 2011-2013, khi Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực, số phán quyết trọng tài bị hủy tăng tới 36% .

Nguyên nhân các phán quyết trọng tài bị hủy còn nhiều, ông Trần Quốc Mỹ - Công ty Luật Á Châu cho rằng, do Luật Trọng tài thương mại có nhiều còn chưa phù hợp nhưng trong 3 năm qua không có văn bản hướng dẫn.

“Chỉ cần 1 phán quyết trọng tài bị hủy thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ e ngại có nên chọn trọng tài Việt Nam hay không, và ngược lại. Do đó, vấn đề hủy phán quyết trọng tài cần được xem xét toàn diện và khắc phục”, ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch VIAC nhận định.

Vì vậy, để hoạt động của trọng tài thực sự hiệu quả và trọng tài trở thành địa chỉ thân thiện với cộng đồng doanh nghiệp, các đại biểu kiến nghị: Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại; Tòa án nhân dân tối cao có bộ phận theo dõi việc hủy phán quyết trọng tài; các tòa địa phương có thẩm phán chuyên sâu giải quyết các vấn đề liên quan đến trọng tài…./.

Bảo Thiên Bình