Thủ tướng: Tiếp tục đào sâu suy nghĩ, thúc đẩy tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược để đưa Nghệ An trở thành tỉnh mạnh Chủ tịch Quốc hội: Bảo đảm tiếp cận giáo dục công bằng, bình đẳng Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An Đoàn Thanh niên Bộ Tài chính khởi công xây dựng nhà tình thương tại Nghệ An

Đề xuất các chủ trương, định hướng mới để phát triển tỉnh Nghệ An

Tỉnh Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam của cả nước, kết nối thuận lợi với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với hơn 16.486 km2, bờ biển dài 82 km, đường biên giới 468,281 km. Dân số trên 3,4 triệu người, đứng thứ 4 cả nước Nghệ An có vị trí chiến lược quan trọng, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, với nhiều tiềm năng, lợi thế với biển, rừng, biên giới, hệ thống giao thông đa dạng, kết nối quốc tế và nhiều tài nguyên văn hóa và du lịch, quê hương của dân ca Ví, Giặm đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/07/2013 về “phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020” với mục tiêu “phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo” và kèm theo nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Phát huy bản sắc xứ Nghệ để tạo đột phá, phát triển cho tỉnh Nghệ An

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW cho biết, cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW và báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong tổng thể vùng, góp phần đưa Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vào cuộc sống.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước, đóng góp 12,43% quy mô kinh tế Vùng và 1,85% cả nước. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, riêng năm 2022, đạt 9,05%; thu ngân sách năm 2022 thực hiện trên 20.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết vẫn còn tồn tại, hạn chế, nhất là mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được. Chất lượng tăng trưởng kinh tế, sức cạnh tranh chưa cao; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng còn đạt thấp so với mục tiêu…

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW; về các kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong 10 năm qua; định vị lại vai trò của tỉnh Nghệ An trong khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong tổng thể quốc gia… Đồng thời, thảo luận, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài và khai thông các nguồn lực tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Phát huy văn hóa, tính cách con người Nghệ An

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Nghệ An hiện vẫn chưa xoay chuyển được để phát triển; chưa đạt được các mục tiêu trong Nghị quyết, các chỉ số cơ bản đều không đạt, ví dụ như đô thị hóa thuộc hàng thấp nhất trong cả nước, GRDP nằm trong 10 địa phương thấp nhất của cả nước. Đánh giá thẳng thắn những kết quả này, ông Trần Đình Thiên cho rằng có phần trách nhiệm về sự quan tâm chưa tương xứng với Nghị quyết 26-NQ/TW.

Đánh giá, phân tích thêm về những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Nghệ An, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế khiến cho nhiều chỉ tiêu chưa đạt như chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; thu hút đầu tư chưa hiệu quả; không có khu công nghiệp phần mềm; đến nay Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo. Nêu một số gợi ý phát triển Nghệ An trong thời gian tới, ông Lê Doãn Hợp cho rằng Nghệ An muốn phát triển đột phá trong thời gian tới thì trước hết phải “giải phóng tư tưởng, quyết chí làm giàu”; chủ động thu hút đầu tư với tư duy mới, trong đó có đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp người Nghệ An.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, yêu cầu của Nghệ An hiện nay phải đặt trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay. Phải thể hiện được khát vọng mới phát triển của Nghệ An. Phải đẩy mạnh khai thác phát triển chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phải biến địa linh nhân kiệt thành “địa linh nhân kiệt của toàn hệ thống”; nâng cao hiệu quả đầu tư công... Phát huy cao hơn nữa, văn hóa, tính cách con người Nghệ An.

Phát huy bản sắc xứ Nghệ để tạo đột phá, phát triển cho tỉnh Nghệ An
Toàn cảnh hội nghị sáng 13/12

Bên cạnh phát triển kinh tế, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cũng nhấn mạnh về liên thông phát triển kinh tế và văn hóa, đặc biệt là văn hóa xứ Nghệ.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hiệp hội Đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề cao vai trò của đô thị hóa như là động lực phát triển của tỉnh Nghệ An, trong đó tập trung vào thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa, huyện Đô lương…, trong đó có các cơ sở hạ tầng chiến lược như hàng không, cao tốc…

Phát biểu tổng kết Tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những nhìn nhận rất sâu sắc, chất lượng, toàn diện, có tính thực tiễn cao, bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Đảng tại Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” - ông Trần Tuấn Anh nói.

Từ kinh nghiệm quản lý điều hành, từ tình cảm sâu nặng và khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các chuyên gia, nhà khoa học đã mạnh dạn đề xuất nhiều ý tưởng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm phát triển nhanh, bền vững tỉnh Nghệ An thời gian tới.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết, các đại biểu tham dự tọa đàm đều thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Nghệ An đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước; là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực để phát triển bền vững tỉnh Nghệ An xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nghị quyết mới phải bám sát thực tiễn, giải quyết các điểm nghẽn

Một trong những yêu cầu đặt ra của Ban Chỉ đạo khi thực hiện tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW là tham mưu, đề xuất được với Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới cho phát triển tỉnh Nghệ An nhằm phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của Nghệ An trong giai đoạn tới. Do vậy, Nghị quyết mới phải bám sát các chủ trương về phát triển vùng tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; cụ thể hóa các định hướng tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; phù hợp với thực tiễn phát triển, giải quyết được các điểm nghẽn, nút thắt, tăng cường nhận thức và quyết tâm hành động để phát triển nhanh và bền vững tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.