![]() |
Nếu không có giải pháp kịp thời phát triển nguồn điện, đặc biệt là điện sạch nguy cơ thiếu điện có thể xảy ra. Ảnh minh họa |
Tiếp tục ưu tiên phát triển điện tái tạo
Năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% và phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số; giai đoạn từ năm 2026 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt hai con số (tức từ 10% trở lên). Đáp ứng yêu cầu cấp bách phát triển của nền kinh tế, TS. Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm phát triển năng lượng quốc gia, với chủ trương “năng lượng cần phải đi trước một bước” để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu điện năng cần phải tăng từ 12 - 16%/năm.
Đồng thuận với quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban chính sách, chiến lược Trung ương cho biết, phát triển nguồn điện trong nước là một thách thức rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời phát triển nguồn điện, đặc biệt là điện sạch và bền vững, nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2026 - 2028 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh đó, cần có giải pháp thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển nhiều loại hình năng lượng mới bên cạnh lĩnh vực dầu khí truyền thống.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa được Bộ Công thương trình lên Chính phủ với nhiều điểm mới. Dự báo nhu cầu điện đã có điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% ở năm 2025 và tăng trưởng hai con số ở giai đoạn 2026 - 2030. Trong dự thảo điều chỉnh, dự báo nhu cầu điện năng sẽ tăng 10 - 13% suốt từ nay đến năm 2030. Về quy mô và cơ cấu nguồn điện, có thay đổi theo hướng tăng thêm nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và nhà máy điện hạt nhân.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), điều chỉnh nhu cầu điện phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên ông Tuấn cũng cho rằng, khả năng thiếu điện trong giai đoạn 2026 - 2028 còn hiện hữu, do các nguồn cung điện tăng chậm, trong khi nguồn năng lượng tái tạo thì đang chững lại.
Để đáp ứng mục tiêu Quy hoạch điện VIII hướng tới mục tiêu Phát triển năng lượng xanh sạch đáp ứng tăng trưởng kinh tế hai con số, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh tăng thêm quy mô điện mặt trời và điện gió và nguồn năng lượng tái tạo ngoài thuỷ điện được đánh giá chiếm từ 28 - 36% trong tổng sản lượng điện vào năm 2030; đặc biệt là Chính phủ đã quan tâm cho phép tái khởi động hoạt động đầu tư vào điện hạt nhân.
Phát triển điện hạt nhân đáp ứng nhu cầu năng lượng
Trao đổi với phóng viên về việc phát triển điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế, TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho hay, dự án Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi đang được tham vấn và tích cực hoàn thiện để thông qua, nhằm thể chế hóa chủ trương phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Trong đó, phát triển điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai là mục tiêu quan trọng.
Điện hạt nhân hiện có phát thải ít nhất trong các loại hình năng lượng tái tạo, tạo ra nguồn điện công suất lớn, ổn định, phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là hướng tới mục tiêu Net Zero. Hiện Việt Nam đang nỗ lực triển khai các dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, đã quy hoạch được địa điểm, xây dựng hệ thống pháp quy, đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân. Việt Nam cần khẩn trương tiếp tục những kết quả đã chuẩn bị từ trước năm 2016 bởi phát triển điện hạt nhân cần thời gian dài. Trong đó, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thành công và công tác hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt hệ thống pháp quy hạt nhân thông qua sửa Luật Năng lượng nguyên tử là nhiệm vụ cần thiết.
Từ kinh nghiệm các nước, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ là giải bài toán năng lượng mà còn là cơ hội để Việt Nam phát triển nhân lực chất lượng cao, tham gia vào chuỗi cung ứng điện hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải có kế hoạch triển khai chặt chẽ, bảo đảm an toàn, hiệu quả và bền vững. Các dự án điện hạt nhân khi được hình thành sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế, cho phép Việt Nam tiếp nhận các công nghệ hiện đại từ các quốc gia có nền khoa học hạt nhân phát triển như Nga, Nhật Bản, hoặc Pháp.
Điện hạt nhân góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Theo TS. Trần Chí Thành, điện hạt nhân là giải pháp tối ưu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng. Năng lượng này sẽ trở nên quan trọng và tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, có vai trò lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng. |