Phòng
Cơ quan hải quan giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro. Ảnh: Văn Tá

Gian lận xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý

Mấy năm trở lại đây, bên cạnh phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, trị giá hàng hóa... thì xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường nhằm lợi dụng việc thực hiện các cam kết FTA để gian lận thuế như khai sai, làm giả xuất xứ hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Nổi lên là các thủ đoạn gian lận xuất xứ, chỉ dẫn địa lý để hưởng thuế ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu. Các doanh nghiệp vi phạm nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu để sản xuất, gia công xuất khẩu nhưng thực chất là không gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua một vài công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. Một số trường hợp nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về kho, thậm chí ngay trong quá trình thay đổi phương tiện vận tải đã được "tráo" nhãn thành hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Một số khác nhập hàng về, đưa vào kho ngoại quan để đóng ghép với hàng nội địa và khi xuất khẩu đi sang nước khác khai báo xuất xứ Việt Nam.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp khai xuất xứ một nước nhập khẩu trên tờ khai nhưng trên bao bì, hàng hóa lại thể hiện xuất xứ của nước khác. Ví dụ, khai xuất xứ Trung Quốc nhưng trên hàng hóa thể hiện “Made in Japan”; “Made in Vietnam” hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì. Có vụ việc, doanh nghiệp sử dụng C/O giả.

Điển hình như vụ phát hiện Công ty CP giám định Đại Minh tự thiết kế mẫu; phát hành tổng số 391 mẫu C/O cho 33 doanh nghiệp để các doanh nghiệp này xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài thu lợi bất chính bước đầu xác định khoảng trên 300 triệu đồng.

Khoanh vùng mặt hàng, đối tượng trọng điểm, rủi ro cao

Theo ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), để kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc hàng hóa xuất khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch về điều tra, kiểm tra sau thông quan đối với hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Tổng cục Hải quan cũng ban hành nhiều chỉ thị cũng như Kế hoạch về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan hải quan tiến hành thu thập thông tin, phân tích đánh giá các nguy cơ gian lận xuất xứ và thực hiện công tác điều tra, xác minh đối với một số nhóm mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ với mức thuế Mỹ áp dụng với mặt hàng tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc như: xe đạp, xe đạp điện, pin năng lượng mặt trời, đồ gỗ nội thất, mặt hàng thủy sản...

Qua quá trình thực hiện đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng hóa và chuyển tải bất hợp pháp. Đơn cử như trong thời gian cao điểm thực hiện Kế hoạch của Bộ Tài chính, từ 10/2019 đến 4/2020, cả nước đã phát hiện 42 vụ vi phạm về gian lận xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó ra quyết định khởi tố 2 vụ án hình sự, chuyển tin báo tội phạm và cung cấp hồ sơ vụ việc cho cơ quan an ninh điều tra 1 vụ.

Gần đây, qua công tác thu thập thông tin kiểm tra sau thông quan, điều tra nghiên cứu nắm tình hình, cơ quan hải quan đã phát hiện có một số đối tượng người Trung Quốc thành lập các doanh nghiệp ở Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ để thực hiện việc xuất khẩu sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm mục đích thay đổi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hoặc thông qua các công đoạn sản xuất đơn giản chưa đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi mã số HS hoặc tiêu chí tỉ lệ phần trăm giá trị nhưng vẫn khai báo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế quan.

Thống kê trong 9 tháng năm 2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 12.949 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trong đó 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hành vi trốn thuế, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 23.757 tỷ đồng.

Hiện nay, Việt Nam đang thực thi nhiều FTA và đang tiếp tục đàm phán ký kết các FTA mới có tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi gian lận, trốn thuế giả mạo xuất xứ nhưng không làm gián đoạn việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hoàn cho biết, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tập trung phân tích số liệu, lập danh sách mặt hàng, đối tượng trọng điểm có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến, các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa có rủi ro cao về gian lận xuất xứ để áp dụng các biện pháp điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm.

Đồng thời, tăng cường công tác thu thập, phân tích rủi ro, xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao thì tiến hành kiểm tra sau thông quan, tập trung vào kiểm tra chống gian lận xuất xứ; tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp theo các nhiệm vụ được phân công.

Kiến nghị thu hồi hơn 2.000 C/O không đủ điều kiện

Cục Hải quan Lạng Sơn từng phát hiện một số vụ việc gian lận xuất xứ điển hình. 3 doanh nghiệp làm thủ tục tại cửa khẩu Hữu Nghị đã nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng từ Trung Quốc, nhưng lại khai xuất xứ Nhật Bản, Đức, Mexico, Ấn Độ, Hoa Kỳ; khai chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp... để gian lận thuế. Qua đó, kiến nghị với các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, kiến nghị thu hồi hơn 2.000 C/O không đủ điều kiện.