Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro cao
Ngày 20/4, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). Chia sẻ tại hội nghị, ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thanh tra kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường quản lý thuế, quản lý hóa đơn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT) đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, về hóa đơn, qua đó đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả đối với các hành vi gian lận trong sử dụng HĐĐT, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế.
Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách, vẫn còn một số đối tượng đã thành lập doanh nghiệp để mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp, có các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn để chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước (NSNN) với các thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp.
Để đấu tranh ngăn chặn đối với hành vi gian lận HĐĐT, theo ông Cường, trên cơ sở bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định người nộp thuế (NNT) có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn ban hành kèm theo Quyết định số 78/QĐ-TCT, cơ quan thuế thực hiện lập danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro, thực hiện việc rà soát, đối chiếu với thực tế quản lý thuế tại địa phương.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phương Thúy |
Cơ quan thuế đã tập trung vào những NNT có rủi ro cao như: nộp thuế thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình ngành nghề kinh doanh, tăng đột biến về doanh thu, không có tài sản, sử dụng số lượng hóa đơn lớn để đưa vào danh sách NNT phải thực hiện giám sát trọng điểm; xác minh thực tế hoạt động của NNT; kiểm tra tại cơ quan thuế. Qua đó, xây dựng kế hoạch và thực hiện TTKT, tránh tình trạng bỏ sót các doanh nghiệp có rủi ro cao, doanh nghiệp nhiều năm chưa được TTKT.
Đồng thời, cơ quan thuế sẽ có biện pháp quản lý rủi ro qua việc sử dụng các biện pháp phân tích dữ liệu lớn (AI), phân tích xu thế, sử dụng trí tuệ nhân tạo... để truy vết được chuỗi (hệ sinh thái) các doanh nghiệp liên quan, các doanh nghiệp mua hóa đơn không hợp pháp trốn tránh nghĩa vụ NSNN và doanh nghiệp mua hóa đơn để hợp thức hóa chứng từ chi...
“Để phát huy hiệu quả từ CSDL, cần xây dựng và bổ sung quy định về xác thực, nhận diện thông tin người đại diện pháp luật trong quá trình xem xét hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký sử dụng HĐĐT. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để nhận dạng khuôn mặt, quét vân tay và lưu trữ dữ liệu làm cơ sở phòng ngừa việc sử dụng căn cước công dân mất cắp, giả mạo, hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh tại địa bàn này để thành lập doanh nghiệp mới ở địa bàn khác...”- ông Cường nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), đối với các trường hợp chưa đăng ký sử dụng HĐĐT, khi xử lý các nghiệp vụ về đăng ký sử dụng HĐĐT, cán bộ thuế cần lưu ý những công cụ hỗ trợ của hệ thống HĐĐT để kiểm soát thông tin của NNT, ngăn chặn sớm các trường hợp không đủ điều kiện sử dụng HĐĐT góp phần phục vụ quản lý rủi ro, ngăn chặn các trường hợp gian lận trong sử dụng hóa đơn và cung cấp thông tin cho TTKT pháp luật thuế về hóa đơn.
Ứng dụng công nghệ để kiểm soát gian lận hóa đơn
Ông Mai Xuân Thành - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ghi nhận sự quyết tâm, chỉ đạo sâu sát của các vụ, cục thuộc Tổng cục Thuế và các cục thuế đã có nhiều giải pháp tham mưu, chỉ đạo để chống tình trạng mua bán, gian lận HĐĐT. Thông qua hàng loạt giải pháp về công nghệ thông tin, ngành Thuế đã kiểm soát ngày càng hiệu quả việc sử dụng HĐĐT.
“Trước yêu cầu đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người kinh doanh tuân thủ pháp luật, trước tiên phải xóa bỏ tình trạng mua bán hóa đơn, phải xem mua bán hóa đơn như mua bán ma túy. Đồng thời xây dựng quy chế tổ chức chặt chẽ, tránh tình trạng lỏng lẻo, tạo lỗ hổng cho các hành vi gian dối” - lãnh đạo Tổng cục Thuế nhận định.
Tuyên truyền để người dân không vi phạm Lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người nộp thuế về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế và về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ. Mỗi một công chức thuế là một kênh tuyên truyền đến người nộp thuếvề việc nhận diện hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm... |
Ông Mai Xuân Thành cũng yêu cầu, các cục thuế phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, báo cáo kịp thời với lãnh đạo UBND địa phương về các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Cùng với đó phải phối hợp trong nội ngành để thực hiện tốt công tác xác minh, phát triển hơn nữa các ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời cung cấp đầy đủ công cụ làm việc cho cán bộ thuế để có thể thực hiện tốt công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng HĐĐT.
Ban Quản lý rủi ro phối hợp với Cục Công nghệ thông tin kịp thời ban hành quy trình và triển khai ứng dụng quản lý rủi ro trong công tác phân tích thông tin đánh giá NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn và ứng dụng tự động đối chiếu trên tờ khai thuế giá trị gia tăng…
Người đứng đầu ngành Thuế cũng yêu cầu toàn hệ thống tăng cường công tác TTKT thuế và hóa đơn theo kế hoạch đã được phê duyệt. Thực hiện việc lập danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao để tổ chức giám sát trọng điểm, kiểm tra địa điểm kinh doanh, kiểm soát việc sử dụng hóa đơn, kê khai, nộp thuế. Nếu có nghi vấn chưa được làm rõ thì thực hiện kiểm tra tại cơ quan thuế, kiểm tra tại trụ sở NNT theo chuyên đề.
100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử Tổng cục Thuế cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã có 100% doanh nghiệp, tổ chức (851.372 đơn vị), hộ, cá nhân (65.576 hộ, cá nhân kinh doanh) theo phương pháp kê khai đã chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Tính đến ngày 15/4/2023, số lượng HĐĐT cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 3.581 tỷ hóa đơn trong đó có hơn 1.039 tỷ hóa đơn có mã và hơn 2.542 tỷ hóa đơn không mã; đã có 12.864 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. |
* Ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội:
Bổ sung thêm các công cụ hỗ trợ công tác quản lý
Ông Mai Sơn |
Để quản lý hóa đơn, Cục Thuế TP. Hà Nội đã thành lập tổ rà soát, tăng cường quản lý, phòng chống gian lận hóa đơn điện tử (HĐĐT); phối hợp với với Công an TP. Hà Nội xây dựng chương trình kiểm soát, phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn và điều tra xử lý việc mua bán HĐĐT trên địa bàn thành phố.
Với số lượng HĐĐT rất lớn, cùng với đặc thù doanh nghiệp (DN) đa dạng về loại hình, kinh doanh hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, việc quản lý thuế nói chung và quản lý sử dụng HĐĐT nói riêng đặt ra thách thức lớn đối với Cục Thuế TP. Hà Nội. Từ thực tiễn công tác quản lý, chúng tôi đề xuất tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống HĐĐT; xây dựng, bổ sung các công cụ, ứng dụng hỗ trợ tốt nhất cho công tác quản lý như ứng dụng giúp phân tích, cảnh báo, tra cứu doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, hóa đơn toàn ngành…
Xây dựng sổ tay chuyên đề hướng dẫn chung về căn cứ, tiêu chí, dấu hiệu DN có rủi ro cao về thuế, hóa đơn và biểu mẫu danh sách hóa đơn rủi ro đi kèm trong công văn cảnh báo rủi ro để thực hiện thống nhất toàn ngành.
* Ông Ngô Xuân Tòng - Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh:
Áp dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý hóa đơn
Ông Ngô Xuân Tòng |
Cục Thuế Bắc Ninh đã chỉ đạo các phòng thanh tra kiểm tra, các chi cục thuế trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đăng ký và sử dụng HĐĐT, phát hiện kịp thời để có biện pháp nghiệp vụ phù hợp ngăn chặn các hành vi sử dụng HĐĐT không hợp pháp.
Cụ thể, Cục Thuế yêu cầu công chức vào ứng dụng HĐĐT hàng ngày đối với DN rủi ro, đối chiếu dữ liệu trên hệ thống HĐĐT và kê khai thuế của DN để phát hiện những trường hợp kê khai doanh thu thấp hơn trên dữ liệu HĐĐT, hoặc kê khai chênh lệch thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ cao hơn nhiều lần dữ liệu hóa đơn…, yêu cầu DN giải trình, bổ sung thông tin tài liệu, thực hiện xác minh hóa đơn và cảnh báo đối với các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn, thiết lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra nếu đủ căn cứ.
Chúng tôi cũng đã giao bộ phận thanh tra kiểm tra phối hợp với bộ phận ấn chỉ xác minh tại trụ sở người nộp thuế, đánh giá thực trạng DN khi đăng ký áp dụng HĐĐT trong vòng 1 ngày, không kéo dài thời gian quy định. Thực hiện chỉ đạo này, các các đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế, khai thác dữ liệu trên hệ thống kê khai thuế và hệ thống dữ liệu HĐĐT, đã phát hiện các DN có rủi ro cao về thuế và hóa đơn, DN sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế từ đó yêu cầu DN giải trình, kê khai điều chỉnh bổ sung giảm số thuế GTGT đầu vào.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hóa đơn, Cục Thuế Bắc Ninh đề xuất nhanh chóng áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý HĐĐT, hỗ trợ danh sách DN rủi ro cao về thuế, phát hành sử dụng HĐĐT thay làm thủ công như hiện nay.
* Ông Ngô Đình Hùng - Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa:
Xây dựng bộ tiêu chí để xếp loại rủi ro
Ông Ngô Đình Hùng |
Trên cơ sơ chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế Thanh Hóa đã chỉ đạo xây dựng bộ tiêu chí để xếp loại rủi ro hóa đơn đối với các doanh nghiệp như: cao, vừa, thấp, việc này được cục thuế thực hiện hàng tháng. Căn cứ vào kết quả xếp loại rủi ro, cục thuế giao nhiệm vụ cho các đơn vị quản lý trực tiếp người nộp thuế phải tiến hành kiểm tra HĐĐT, khi kiểm tra phải tập trung vào tiêu chí rủi ro cao. Kết quả kiểm tra được nhập vào phần mềm ứng dụng hỗ trợ thanh tra kiểm tra… để lãnh đạo chi cục thuế, phòng thanh tra kiểm tra có thông tin chỉ đạo.
Đối với nội dung này, cục thuế đã chỉ đạo rà soát, tăng cường quản lý, phòng chống gian lận về HĐĐT theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, tạo sự đồng bộ, toàn diện, không để xảy ra tình trạng nơi làm, nơi không hoặc làm không thống nhất.
Đây cũng là biện pháp để gắn trách nhiệm cụ thể từ lãnh đạo cục chỉ đạo đến lãnh đạo phòng, lãnh đạo chi cục thuế, lãnh đạo đội và cán bộ thuế trong kiểm tra, rà soát HĐĐT gắn với kiểm tra hồ sơ khai thuế. Cán bộ, công chức thuế phải chịu trách nhiệm khi người nộp thuế đã xếp hạng rủi ro cao về thuế, hóa đơn nhưng không kiểm tra, xử lý.