Vai trò tổng chỉ huy

Dịch bệnh không chỉ khiến kinh tế “rơi thẳng đứng” như theo mô tả của đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) mà còn khiến niềm tin của người dân cũng mai một. “Cử tri Đồng Tháp đã chất vấn các ứng cử viên chúng tôi là tại sao Chính phủ không quyết liệt phòng, chống dịch trước dịp lễ 30/4, mùng 1/5? Gần đây là câu chuyện lực lượng lớn những người dân từ các tỉnh thành phía Nam tự phát dùng phương tiện xe cá nhân, thậm chí đi bộ để về quê, trong khi hệ thống phương tiện giao thông công cộng “đắp chiếu” cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước” - đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) dẫn lại câu chuyện thực tế trong kỳ tiếp xúc cử tri ứng cử đầu tháng 5 và bà đã bày tỏ nỗi nuối tiếc to lớn: “Giá như chúng ta nắm bắt được tâm tư, tình cảm của người dân, nguyện vọng của người dân sớm hơn”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, ngày 20/10/2021.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, ngày 20/10/2021.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa và đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) đều nhấn mạnh đến vai trò của “tổng chỉ huy” trong điều hành để không dẫn đến tình trạng phải “giá như”. Bà Hoa còn đề nghị: “Chính phủ cần phân tích kỹ những bài học về công tác điều hành, quản lý. Cùng với vắc-xin phòng Covid-19, Chính phủ cần có thêm một loại “vắc xin” khác để chống bệnh trì trệ, né tránh trách nhiệm cục bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của một Chính phủ liêm chính, hành động, Chính phủ vì dân”.

Cho rằng cùng với dịch Covid-19, một dịch bệnh khác đã xuất hiện từ lâu, hiện vẫn đang âm thầm lây lan, len lỏi trong đội ngũ cán bộ các cấp và đang trở thành nguy cơ cho sự phát triển của đất nước, đó là căn bệnh sợ trách nhiệm, đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) đặt câu hỏi: “Vì nguyên nhân gì mà cán bộ, kể cả cán bộ giữ cương vị lãnh đạo đứng đầu lại sợ trách nhiệm? Có những người khi thực hiện nhiệm vụ đúng quy định pháp luật nhưng vẫn luôn sợ và không dám quyết định, chỉ vì mục đích an toàn cho mình”.

Nguồn: TTXVN
Nguồn: TTXVN

“Dịch Covid-19 đến thời điểm hiện nay đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của nước ta, gây ra những hệ lụy không nhỏ, dù chưa thể thống kê hết được bằng những con số. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, dịch bệnh đã chỉ ra khá rõ những hạn chế, thậm chí là những khuyết tật…” - đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) nhận định.

Chỉ tiền là không đủ

Với câu chuyện phục hồi kinh tế, thì không chỉ là cứ dốc tiền ra là có thế vực dậy mà cũng phải là có niềm tin. Kể từ ngày 11/10/2021, Chính phủ quyết định chuyển cuộc chiến phòng, chống Covid-19 sang một giai đoạn mới, từ chủ trương theo đuổi “zero-Covid” sang chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đã quyết định “sống chung” thì cần thế nào? Đặt ra các câu hỏi như vậy thì đại biểu QH cũng miệt mài “hiến kế”.

Nhận khó thay vì đẩy khó

Nghị trường những ngày qua, theo nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã nói thẳng, đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống”. Nhưng nói thẳng không phải để mất lòng nhau mà để chia sẻ cùng dân. Như tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về loạn giá xét nghiệm, loạn quy trình xét nghiệm, dù Bộ trưởng cố giãi bày vì ngành Y “quá bận chống dịch, quá mải mê chống dịch”. Nhưng các đại biểu vẫn không ngừng tranh luận, cho rằng liệu ở đây có câu chuyện “lợi ích nhóm”(?) Đại biểu Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) thốt lên: “nếu không chấn chỉnh thì rất tội nghiệp cho dân!”.

Cuối cùng, Bộ trưởng Y tế cũng nói lời “gan ruột”: “Chúng ta phải nhận khó về chúng ta chứ không được đẩy khó cho dân”. Lời của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long được đại biểu ghi nhận, khi trong suốt thời gian trả lời chất vấn sau đó, ông Long nhiều lần kêu gọi các địa phương, nhất là các nơi dịch đang ở cấp độ 1 và 2 mạnh dạn cho học sinh trở lại trường. Lúc này, trở lại trường đang là mong mỏi của nhiều triệu học sinh cũng như phụ huynh. Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo cũng tha thiết cảm ơn Quốc hội đã chọn lĩnh vực của ngành mình để chất vấn.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, về tiền tệ, về an sinh xã hội thì phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác đi là thực thi các cơ chế đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư toàn xã hội với những nội hàm cụ thể như rút gọn hơn nữa các thủ tục, không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

“Tuy việc thực hiện các gói hỗ trợ tài chính hiện nay là rất cấp bách nhưng tôi vẫn tha thiết đề nghị không thể lơ là dù chỉ một chút nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính để phát huy được sức mạnh của toàn dân, để nền kinh tế nước ta không lỡ nhịp, lỡ thì với thiên hạ” - ông Lộc quả quyết. Ông nói tiếp: “Chính niềm tin vào những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam”.

Cùng quan điểm này, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) nêu tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức năm 2020 theo khảo sát vẫn ở mức gần 45%. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật ở Việt Nam đã tăng 17 bậc trong lần công bố vào năm 2019, tuy nhiên thứ hạng của Việt Nam vẫn ở mức thấp 79/141 quốc gia và rất thấp trong ASEAN, đứng 7/9 nước, chỉ hơn Brunei và Philippines.

6 việc để phục hồi

Báo cáo QH trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận để tình hình như hiện nay, chủ yếu là do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn hạn chế, bất cập trong phân tích, dự báo tình hình; năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn diễn biến nhanh, khó lường; thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân vẫn còn phiền hà...

Người đứng đầu Chính phủ cũng rút ra “một số kinh nghiệm bước đầu” rằng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cần phải nhất quán, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời từ trung ương đến cơ sở; bám sát yêu cầu thực tiễn, kịp thời có kế hoạch, phương án, biện pháp phù hợp… Chính phủ xác định việc triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Còn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chú trọng đến 6 việc gồm: tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh; phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nhập siêu, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng phù hợp với các cam kết quốc tế; đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược; thu hút chọn lọc các nguồn đầu tư nước ngoài, tăng cường kết nối với khu vực kinh tế trong nước; bảo đảm an sinh xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.