Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 14% trở lên trong năm 2025, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ động chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tháo gỡ các vướng mắc lớn, đặc biệt liên quan đến nguồn vật liệu san lấp, giải phóng mặt bằng.
Một trong những quyết định quan trọng là ban hành đơn giá bồi thường tài sản gắn liền với đất khi nhà nước thu hồi đất tại tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã công bố thông tin về 14 khu vực khai thác đất, đá phục vụ san lấp mặt bằng, với tổng trữ lượng lên đến hàng triệu m3. Các thủ tục cấp phép liên quan đến đất, đá dư thừa tại các dự án cũng được đẩy mạnh.
![]() |
Dự án Quảng trường trung tâm huyện Đầm hà tỉnh Quảng Ninh sắp hoàn thành. Ảnh T.D |
Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch tỉnh chủ trì, để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho từng dự án cụ thể. Nhờ đó, tình trạng thiếu hụt vật liệu san lấp tại các dự án trọng điểm đã được giải quyết, đặc biệt là tuyến đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TP Đông Triều và dự án kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính, đơn vị này đã tích cực hỗ trợ UBND tỉnh trong việc lên kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, phân công trách nhiệm cho các lãnh đạo phụ trách và theo dõi sát sao tiến độ thực hiện. Việc xử lý các vấn đề khó khăn và giải ngân tạm ứng được thực hiện nhanh chóng, góp phần thúc đẩy các dự án quan trọng, đặc biệt là các dự án lớn phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Dự án đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TP Đông Triều là một trong những ví dụ điển hình, hiện nay đã hoàn tất việc cung cấp vật liệu san lấp và đang được thi công rất khẩn trương. Tình hình này giúp dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ và đi vào hoạt động, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước Khu vực III cho thấy, tính đến hết quý I/2025, tổng số vốn giải ngân của tỉnh Quảng Ninh đã đạt 1.209 tỷ đồng, tương đương 10,2% kế hoạch, vượt xa mức giải ngân của cả nước và so với năm 2024 (7,7%).
Cụ thể, các chủ đầu tư cấp tỉnh đã giải ngân 412 tỷ đồng, đạt 8,5% kế hoạch, trong khi các đơn vị quốc phòng, an ninh và tư pháp giải ngân 43,9 tỷ đồng (3,5% kế hoạch), và UBND các địa phương giải ngân 752 tỷ đồng (13,1% kế hoạch).
Một yếu tố đáng chú ý là nếu không có sự tạm dừng triển khai một số dự án do sự sáp nhập theo chủ trương của trung ương, tỷ lệ giải ngân sẽ còn cao hơn. Hiện tại, tỉnh Quảng Ninh có 72 dự án tạm dừng, trong đó 70 dự án tại cấp huyện, với tổng kế hoạch vốn lên đến trên 400 tỷ đồng. Các địa phương đang chủ động xây dựng kế hoạch điều chỉnh vốn để sử dụng hết số vốn đã phân bổ.
Để tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và báo cáo Sở Tài chính để tổng hợp, phân bổ nguồn vốn. Các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sẽ được kiểm tra và điều chỉnh vốn sang những dự án có khả năng hoàn thành cao.
Dự báo, tỉnh Quảng Ninh sẽ giải ngân được khoảng 5.484 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch vào cuối quý II/2025. Tuy nhiên, mục tiêu này đặt ra một thử thách lớn khi tỉnh cần giải ngân thêm 4.276 tỷ đồng trong quý II, gấp 3,5 lần so với quý I. |