Hàng trăm giải thưởng “Hóa đơn may mắn” đã được trao

“Hóa đơn may mắn” là tên gọi chương trình trao thưởng cho những người tiêu dùng là cá nhân, hộ kinh doanh có lấy hóa đơn với đầy đủ thông tin định danh (mã số thuế/CCCD/CMND/hộ chiếu) khi mua hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh trên địa bàn. Mục tiêu nhằm khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh. Qua đó, bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời khuyến khích người bán hàng sử dụng hoá đơn điện tử (HĐĐT) có mã của cơ quan thuế, góp phần nâng cao công tác hiện đại hóa, số hóa quản lý thuế của ngành Thuế.

Để triển khai chương trình, Tổng cục Thuế đã tổ chức họp trực tuyến với 63 điểm cầu là cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trên cơ sở đó, cục thuế các địa phương đã xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh, tổ chức tuyên truyền, đồng loạt đăng tải, gửi thư ngỏ đến doanh nghiệp (DN), người nộp thuế (NNT) về các nội dung của chương trình thông qua địa chỉ email, zalo, cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Thế Dương

Sau thời gian chuẩn bị, đến nay nhiều địa phương đã chính thức tổ chức quay thưởng “Hóa đơn may mắn” và tìm ra được các tổ chức, DN, người dân trúng thưởng. Cụ thể, ngày 18/10/2022, các cục thuế: Thái Bình, Hà Giang, Bình Phước đã tổ chức quay thưởng lựa chọn “Hóa đơn may mắn”. Kết quả ngày đầu tiên quay số, tại 3 cục thuế, đã xác định được 57 giải thưởng, với số tiền là 90 triệu đồng. Trong đó, tại Thái Bình có 21 giải; tại Hà Giang có 15 giải; tại Bình Phước có tổng số 21 giải. Tiếp đó, ngày 19/10, 3 cục thuế gồm: Ninh Bình, Đắk Lắk, Hải Dương cũng tổ chức quay thưởng và tìm ra 158 giải thưởng, với tổng số tiền là 380 triệu đồng.

Trước đó, Tổng cục Thuế đã tổ chức thí điểm 2 kỳ bấm số lựa chọn các “Hóa đơn may mắn” để trao thưởng. Kỳ bấm số lần 1 được tổ chức vào ngày 18/4/2022; kỳ bấm số lần 2 được tổ chức vào ngày 21/4/2022. Kết quả tìm ra được 6 cá nhân, tổ chức may mắn với giải thưởng lớn nhất được trao là 50 triệu đồng.

Tạo thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa

Tổng cục Thuế xác định, việc tổ chức chương trình “Hóa đơn may mắn” với HĐĐT là một cấu phần quan trọng trong đề án lớn nhằm tập trung cơ sở dữ liệu lớn (big data) về HĐĐT đưa về cơ quan thuế để phục vụ cho công tác quản lý thuế. Đặc biệt, việc triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” sẽ là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng thực hiện quyền giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN và người bán hàng.

Chia sẻ tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2022 với chủ đề: “Chính sách Thuế - Hải quan: Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức ngày 19/10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định, nhiệm vụ chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, DN tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chính vì vậy, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa công tác quản lý thuế, phục vụ NNT thực hiện pháp luật thuế được tốt nhất.

“Hóa đơn may mắn” góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

“Hóa đơn điện tử nói chung và chương trình “Hóa đơn may mắn” nói riêng đang được Tổng cục Thuế triển khai rộng rãi trên cả nước không những góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội (như tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường,…) tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.

Với phương châm lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ, những năm qua, ngành Thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

Để góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế, ông Đặng Ngọc Minh cho hay, trong thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh triển khai phần mềm HĐĐT đáp ứng các chính sách mới về HĐĐT, mở rộng xây dựng hệ thống cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền; xây dựng kho cơ sở dữ liệu về HĐĐT và triển khai các giải pháp, công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro về thuế.

Đồng thời, ngành Thuế xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn,…; phát triển và cung cấp các dịch vụ thuế số cho NNT, qua đó, giúp tăng trải nghiệm cho người dân và DN.

Cùng với đó, ngành Thuế tiếp tục triển khai hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống CNTT theo định hướng chuyển đổi số (kiến trúc nền tảng hạ tầng kỹ thuật được chuyển đổi theo hướng dịch vụ, phát triển theo xu hướng công nghệ điện toán đám mây; phát triển hạ tầng Internet vạn vật và ứng dụng các công nghệ số mới trong xây dựng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác quản lý thuế).