dd

Toàn cảnh hội nghị.

"Sờ" đâu sai đấy

Theo ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, tính đến nay, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 70% tổng diện tích tự nhiên và đã cơ bản hoàn thành mục tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cả nước đã cấp 41,8 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích hơn 22,9 triệu ha, đạt 94,9% diện tích các loại đất cần cấp và đạt 96,7% tổng số trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện cấp giấy. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp đạt 90,3%; đất lâm nghiệp đạt 98,2%; đất ở đô thị đạt 96,8%; đất ở nông thôn đạt 94,5% và đất chuyên dùng đạt 85% diện tích đất cấp.

Bên cạnh đó, cả nước có 40 địa phương phải thực hiện dự án xác định, cắm mốc ranh giới, đo vẽ lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới, xây dựng phương án sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, đến nay, mới có 17 địa phương đã lập và gửi thiết kế kỹ thuật dự toán về Bộ.

Cũng tại hội nghị, ông Trần Hồng Phi, Cục trưởng Cục kiểm soát quản lý sử dụng đất đai cho biết, năm qua đơn vị cũng đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra, tuy nhiên, thông qua việc thanh tra xác suất cho thấy hầu hết các đơn vị đều vi phạm, nhiều tỉnh không triển khai, không thực hiện, nhiều tỉnh sau nhiều năm chỉ thực hiện 30% kết luận thanh tra.

“Về công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện thi hành Luật Đất đai 2013, thời gian qua Cục đã thực hiện được 8 đoàn thanh tra tại 8 tỉnh. Qua kiểm tra, tình trạng đơn thư khiếu kiện tại địa phương đã giảm nhiều nhưng qua thực tế kiểm tra đã thấy rất nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật”, ông Phi cho hay.

Cụ thể, theo chỉ đạo của ngành, các địa phương có 31 văn bản phải ban hành, nhưng qua rà soát tại 8 tỉnh thì vẫn còn 4 vấn đề chưa ban hành, thậm chí có tỉnh có tới 13 vấn đề chưa ban hành mặc dù báo cáo đã ban hành hết, thậm chí ban hành không đúng với quy định của pháp luật.

Các nội dung quản lý khác còn nhiều vấn đề chưa triển khai, hoặc có những vấn đề pháp luật đã quy định nhưng thực hiện vẫn như tồn tại trước. Qua thực tế thấy rằng, việc triển khai Luật Đất đai ở các địa phương còn lộn xộn không có hệ thống đồng nhất.

“Vì vậy, kiến nghị lãnh đạo Bộ coi trọng công tác kiểm tra và phải xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo cho Luật Đất đai 2013 có hiệu quả”, ông Phi kiến nghị.

Quy hoạch phải đảm bảo tính tổng thể

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả năm 2015 của Tổng cục Quản lý Đất đai. Hiệu quả quản lý có thể nhận thấy thông qua sự hài lòng của người dân, sự hài lòng của doanh nghiệp. Trước đây, đơn thư khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai lên tới 70-80% những tới nay đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên trên thực tế, triển khai thi hành Luật Đất đai ở nhiều địa phương còn nhiều vấn đề bất cập; sự hiểu biết về luật ngay cả cán bộ ngành tài nguyên và môi trường còn nhiều hạn chế do đó trong việc vận dụng khác nhau dẫn tới bức xúc trong dân.

Về quy hoạch sử dụng đất, “chúng ta cũng đã xây dựng quy trình bổ sung quy hoạch đất đai, nhưng cũng phải thừa nhận quy hoạch trên thực tế chưa phải là công cụ hữu hiệu. Chất lượng quy hoạch chưa tốt, chưa đảm bảo sự kết nối có tính tổng thể nên hiệu quả sử dụng đất thấp, đặc biệt là trong nông nghiệp”, ông Hà cho biết.

Bên cạnh đó, về chính sách đất đai, hiện nay nguồn lợi sinh ra từ việc Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn chưa được tận dụng. Khi tận dụng được nguồn lợi đó để giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù thỏa đáng sẽ đảm bảo sự công bằng cho người dân.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã cắt giảm 25-50% thời gian nhờ việc hoàn thiện văn phòng một cấp, tuy nhiên nếu không gắn với công nghệ thông tin thì không đáp ứng được nhu cầu và khó để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.

Vì vậy, Thứ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo trong năm tới để thực hiện tốt công tác quản lý của mình, Tổng cục Quản lý Đất đai phải tiếp tục lắng nghe những ý kiến còn vướng mắc, đề xuất, tháo gỡ, tránh tình trạng những vướng mắc về đất đai làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế./.

Hồng Quyên