Rà soát, tìm hướng khắc phục vướng mắc của các dự án PPP

Hiện các chính sách về PPP chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: TL

Dự án PPP có xu hướng giảm

Thời gian qua, quy định về các hợp đồng PPP được ban hành và có hiệu lực, các cơ quan, nhà đầu tư đã có nhiều kỳ vọng hơn trong quá trình thu hút nguồn vốn và triển khai các dự án PPP. Luật PPP ra đời, cùng với đó là Nghị định số 28/2021/NĐ-CP (NĐ 28) của Chính phủ đã tạo nên hành lang pháp lý đảm bảo cho các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, củng cố tính hiệu quả, ổn định lâu dài khi thực hiện dự án.

Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi hoạt động đầu tư PPP cho thấy, giai đoạn 2010-2014 số lượng dự án PPP được ký kết nhiều nhất. Giai đoạn này hợp đồng PPP tập trung chủ yếu vào các dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), dự án xây dựng - chuyển giao (BT) trong lĩnh vực giao thông.

Giai đoạn 2015-2020, tập trung chủ yếu tiếp tục đàm phán một vài dự án BOT điện có vướng mắc trong giai đoạn trước và xử lý các vướng mắc của các dự án PPP đã ký hợp đồng.

Giai đoạn 2021 (thời điểm Luật PPP có hiệu lực đến nay), có 3 dự án BOT giao thông được chuyển tiếp từ giai đoạn trước và đã ký; 8 dự án mới song đang giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa ký kết hợp đồng (trong đó, 7 dự án lĩnh vực giao thông, 1 dự án hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL) lĩnh vực nước sạch). Như vậy, có thể thấy, số lượng dự án PPP có xu hướng giảm.

Nhiều rào cản cần được gỡ bỏ

Tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và trao đổi định hướng sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức PPP, được tổ chức mới đây tại TP. Nha Trang, ông Bùi Việt Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính thực hiện việc rà soát vướng mắc của NĐ 28 và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung.

Qua rà soát, nhiều vướng mắc đã được chỉ ra. Đơn cử như quy định về thẩm định giá tài sản công (TSC) tham gia dự án PPP. Ông Hưng cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, quy định phải thực hiện thẩm định giá TSC tham gia dự án PPP có thể gặp khó khăn do nhiều trường hợp không thuê được đơn vị thẩm định giá. Đồng thời, việc quy định thời hạn chứng thư thẩm định trong 6 tháng là quá ngắn.

Theo đó, đã có kiến nghị cần bổ sung các phương thức xác định giá trị TSC; không nên bó buộc ở chứng thư thẩm định giá. Bên cạnh đó, cần quy định loại tài sản nào phải thẩm định giá, loại nào không cần; hoặc bổ sung sửa đổi trong pháp luật về quản lý, sử dụng TSC…

Với các kiến nghị này, ông Hưng cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định này trong văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC, đảm bảo phù hợp với pháp luật về quản lý TSC, quản lý giá.

Về trình tự, thủ tục thanh toán cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm, hiện NĐ 28 quy định chỉ có cơ quan ký kết hợp đồng xác định phần doanh thu giảm sẽ được chia sẻ mà chưa có vai trò của doanh nghiệp dự án. Hơn nữa, chính sách hiện hành đang thiếu quy định trách nhiệm của nhà nước trong trường hợp chậm bố trí nguồn vốn thanh toán; thiếu quy định về giải quyết tranh chấp khi các bên không đồng thuận được giá trị doanh thu chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi quy định này theo hướng, doanh nghiệp dự án và cơ quan ký kết hợp đồng xác định phần doanh thu sẽ chia sẻ; bổ sung trách nhiệm của Nhà nước khi chậm thanh toán và bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp giữa các bên.

Để tháo gỡ vướng mắc này, ông Hưng cho biết, Bộ Tài chính đang tiếp thu sửa đổi, bổ sung quy định: cơ quan ký kết hợp đồng và doanh nghiệp dự án PPP cùng nhau xác định phần doanh thu giảm chia sẻ. Đồng thời, việc xử lý tranh chấp giữa các bên sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 99 Luật PPP. Riêng quy định về trách nhiệm của nhà nước khi phía nhà nước chậm thanh toán cho doanh nghiệp tại Luật PPP chưa có, nên chưa có cơ sở để quy định trong nghị định.

Về vấn đề chuyển tiếp, hiện đang thiếu quy định áp dụng nghị định đối với hợp đồng PPP giai đoạn từ ngày 1/1/2021 – 25/3/2021. Thiếu quy định hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư công trình, dự án PPP hoàn thành đối với các hợp đồng PPP ký trước thời điểm có hiệu lực của Luật PPP song có phụ lục hợp đồng ký sau thời điểm Luật PPP có hiệu lực.

Hiện Bộ Tài chính thực hiện rà soát các hợp đồng ký, nghiên cứu đề xuất các phương án xử lý chuyển tiếp phù hợp.

Phát triển hạ tầng giao thông hiện đại

PPP là mô hình cả Nhà nước và nhà đầu tư đều có lợi, cùng phát triển; giúp thúc đẩy, cải thiện mạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng trong nước, hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ tốt nhất đến người dân, tạo dựng mối quan hệ cộng đồng chặt chẽ. Việc phát triển hạ tầng giao thông hiện đại thông qua hình thức PPP cũng sẽ thúc đẩy kinh tế liên vùng, phát triển ngành năng lượng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.