Dồn lực chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử
Ngành Thuế sẽ "mạnh tay" trước bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ
Google, Facebook, Tiktok nộp 2.030 tỷ đồng tiền thuế

Hàng giả, hàng nhái xuất hiện công khai

Thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt vẫn luôn là vấn nạn nhức nhối đối với người tiêu dùng và cả các cơ quan chức năng. Những loại hàng hoá trên không những được bán ở những chợ truyền thống mà còn được người bán đưa lên tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử (TMĐT), các nền tảng mạng xã hội.

Ở Việt Nam, một ứng dụng mua sắm hàng hóa được nhiều người sử dụng là sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee. Chỉ với một từ khoá về sản phẩm cần tìm người dùng sẽ nhận được vô số kết quả với đa dạng mẫu mã và các mức giá kèm ưu đãi khác nhau của mỗi cửa hàng. Người bán dùng những lời chào hàng "có cánh", cam kết sử dụng hiệu quả nhằm đánh trúng tâm lý sính ngoại của người dùng để tiêu thụ hàng hoá.

Thực tế cho thấy, các nền tảng mạng xã hội, sàn TMĐT đang trở thành một mảnh đất màu mỡ để tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Việc này đã gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm cũng như khám xét nơi cất giữ tang vật của các lực lượng chức năng.

Đáng chú ý, các sản phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc hay các nước châu Âu thường dễ "lấy lòng" người tiêu dùng hơn các sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, chính bản thân người tiêu dùng cũng không biết những sản phẩm đó có thật sự là được nhập khẩu từ nước ngoài hay không. Bởi lẽ, khi mua hàng trên Shopee, người tiêu dùng mua hàng dựa trên lòng tin bằng cách nhìn số lượng hàng đã bán và những đánh giá 5 sao về sản phẩm.

Trong vai là người mua hàng trên Shopee, phóng viên đặt mua một thỏi son dưỡng Astrid tái tạo môi từ mỡ hươu, với giá 45.000 đồng của một shop có tiếng, với số lượng người mua sản phẩm này lên đến hơn 143.000 người và được quảng cáo là hàng chính hãng.

Sản phẩm không có tem nhãn phụ được rao bán công khai trên sàn thương mại điện tử
Mua bán hàng hóa qua sàn thương mại ngày càng phổ biến. Ảnh: TL

Theo mô tả trên Shopee, sản phẩm này được quảng cáo với các công dụng giúp dưỡng ẩm, làm mềm và duy trì độ mịn cho làn môi; hạn chế tình trạng khô, bong tróc và tái tạo lại lớp biểu bì môi; duy trì độ ẩm, giảm mất nước cho môi; tẩy tế bào chết, loại bỏ lớp da tróc, khô, làm mịn môi; chống oxy hóa, giảm thâm và làm hồng môi. Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ tại Cộng hoà Séc.

Nhưng khi nhận được, sản phẩm hoàn toàn không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt nên không thể biết được công dụng, thành phần, xuất xứ. Thậm chí, tem chống hàng giả của cơ quan chức năng hay bất cứ lời khẳng định nào của cửa hàng về chất lượng sản phẩm cũng không có. Trong trường hợp sử dụng có bất cứ vấn đề gì, người mua hàng sẽ phải tự chịu trách nhiệm.

Giống với những sàn TMĐT hay các nền tảng mạng xã hội khác, mặc dù đề ra những chính sách nhằm hướng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng Shopee vẫn để tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng được lưu thông trên sàn diễn ra trong suốt thời gian dài. Chỉ với một lời khẳng định “hàng tuồn”, “hàng xách tay” nên những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài được mặc định là không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Rất nhiều sản phẩm được rao bán trên Shopee được gán mác hàng tuồn
Rất nhiều sản phẩm được rao bán trên Shopee được gán mác "hàng tuồn". Ảnh: TL

Câu hỏi đặt ra ở đây là Shopee "cố tình" buông lỏng cho số lượng lớn các gian hàng nhằm tăng doanh thu từ rủi ro của người dùng hay người bán "quên" dán tem nhãn phụ cho sản phẩm? Đại diện Shopee đã rất nhiều lần đưa ra ý kiến về hàng hoá được bán trên sàn. Nhưng cho đến nay, thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn được rao bán công khai trên sàn giao dịch này.

Người tiêu dùng phải là "chiến sỹ" trong cuộc chiến chống hàng giả

Mới đây, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có văn bản yêu cầu tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử. Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng thương mại điện tử, chủ yếu qua hoạt động chuyển phát, trang mạng, để quảng cáo, giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, chào bán sản phẩm hàng hóa nhập lậu.

Nhiều trường hợp vi phạm ở quy mô lớn, tính chất phức tạp, nhiều đối tượng tham gia, số lượng tang vật là hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ lớn, có giá trị cao… xâm phạm đến lợi ích của người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái khi tham gia mua, bán những mặt hàng này, không “tiếp tay” cho các đối tượng gây lũng đoạn thị trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng doanh thu, uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Bởi thực chất, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng là một trong những mắt xích quan trọng. Nếu người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay các loại hàng hóa này thì tổ chức, đối tượng vi phạm sẽ bị ngăn chặn đầu ra. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần giúp thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.

Mức xử phạt hành vi không dán nhãn phụ

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ – CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì cá nhân tổ chức có hành vi không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam lên sản phẩm có tem mác bằng tiếng nước ngoài mà giá trị của sản phẩm đó từ 3 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 500.000đ đến 1 triệu đồng, đối với sản phẩm có giá trị trên 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tùy vào giá trị thực tế của sản phẩm mà bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Đối với sản phẩm có giá trị trên 100 triệu đồng thì mức phạt tiền sẽ từ 25 triệu đến 30 triệu đồng.