Sẵn sàng cho khởi công đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh
Cắm mốc lộ giới đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: CVT

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Theo chủ đầu tư, dự án đường vành đai 3 đoạn đi qua địa bàn TP. HCM có 1.700 cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng. Bắt đầu từ 6/5, vốn bồi thường đã được giải ngân.

Ban Quản lý dự án công trình giao thông đã chuyển kinh phí bồi thường đợt 1 cho TP. Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh với số tiền hơn 5.624 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương hoàn tất việc chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho các hộ dân.

Đại diện Ban chỉ huy dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án vành đai 3 TP. HCM cho biết, dự án đoạn qua địa bàn đã được các địa phương bàn giao 297ha mặt bằng, đạt trên 72% (dự kiến 70%) trước khi khởi công. Như vậy, tỷ lệ bàn giao mặt bằng đáp ứng điều kiện khởi công dự án ngay trong tháng 6/2023.

Theo đó, từ nay đến cuối tháng 6/2023, Ban Quản lý dự án công trình giao thông TP. HCM sẽ lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tư vấn và ký kết hợp đồng 4 gói thầu xây lắp để khởi công dự án.

Tại Bình Dương, đại diện ban điều hành dự án cũng cho biết, theo báo cáo của chủ đầu tư dự án thành phần thuộc tỉnh Bình Dương, đến ngày 22/5, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đơn giá bồi thường dự án thành phần 6. Hiện các địa phương của tỉnh Bình Dương đang triển khai các thủ tục để chi trả tiền bồi thường. Ngay trong đợt 1, TP.Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương đã hoàn tất chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng 300 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ khởi công công trình trước 30/6 tại 2 vị trí có mặt bằng bao gồm nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gửi, mặt bằng phía huyện Củ Chi cũng sẽ bàn giao trước 30/6.

Còn tại tỉnh Long An, theo thông tin từ chủ đầu tư, đến nay việc thực hiện dự án đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh Long An đã cơ bản hoàn thành so với kế hoạch, các mốc tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An Trần Thiện Trúc, việc triển khai, thực hiện dự án đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn, Sở Giao thông vận tải Long An được giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án thành phần 7 (xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh); dự án thành phần 8 (giải phóng mặt bằng) được giao cho UBND huyện Bến Lức. Đến nay, UBND huyện Bến Lức đã tiến hành chi trả cho 365/395 hộ, đạt 92,4%, với tổng số tiền 786,9 tỷ đồng, đạt 94,16%. Tổng diện tích đã bồi thường 40,8/43ha, đạt 94,8%.

Theo kế hoạch, tỉnh Long An sẽ tiến hành khởi công dự án Vành đai 3 TP. HCM đoạn qua Long An vào cuối tháng 6/2023.

Sẵn sàng cho khởi công đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh
Đường Vành đai 3 đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (tỉnh Bình Dương) đã hoàn thành và đang khai thác. Ảnh: CTV

Tại tỉnh Đồng Nai, theo ban điều hành dự án đường vành đai 3 TP. HCM, riêng đoạn đi qua tỉnh này do vướng một số thủ tục pháp lý trong quá trình phê duyệt các tiểu dự án, đền bù hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nên bị chậm hơn so với kế hoạch. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai dự kiến tỉnh sẽ đủ điều kiện để khởi công dự án vào tháng 7/2023, chậm hơn các địa phương trên khoảng 1 tháng.

Theo đánh giá chung của ban điều hành dự án đường vành đai 3 TP. HCM, thời điểm khởi công của các dự án thành phần vẫn cơ bản đáp ứng theo kế hoạch đề ra.

Đảm bảo đủ vật liệu đất đắp nền

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP. HCM cho biết, các loại đất đắp nền và cát, đá xây dựng đến nay đã cơ bản đủ, còn nguồn cung cát đắp nền cho dự án gặp khó vì trữ lượng lớn.

Theo ông Phúc, thời gian qua TP. HCM đã nỗ lực làm việc với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang đề nghị hỗ trợ, chia sẻ cát đắp nền cho dự án.

Nhờ vậy, đến nay nguồn cát đắp cho toàn tuyến vành đai 3 đã đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3 (đạt hơn 80%, sẵn sàng để khởi công dự án vào tháng 6. “Khối lượng này sẵn sàng phục vụ cho việc khởi công dự án và phục vụ thi công trong các năm 2023, 2024 và đầu năm 2025” - ông Phúc thông tin.

Theo Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP. HCM, vấn đề hiện nay cần sớm thực hiện đó là, tất cả các đơn vị, ngành, địa phương liên quan phải phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo tiến độ phê duyệt thiết kế kỹ thuật, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ cho khởi công dự án.

Dự án đường vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài khoảng 76,34km, đi qua địa phận TP. HCM và 3 tỉnh là Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.

Theo chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm đầu tư bằng cả vốn ngân sách trung ương và vốn địa phương. Dự án vành đai 3 TP. HCM sẽ khởi công giữa năm nay, cơ bản thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 6/2025, hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6/2026./.

Tuyến vành đai này được xem là trục giao thông chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành dự án đi qua mà tác động cả Vùng kinh tế phía Nam. Đường được thiết kế hoàn chỉnh với 8 làn xe cao tốc tốc độ 100km/h và đường song hành hai bên đường đô thị 2-3 làn xe tốc độ 60km/h.