Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Chi thường xuyên đã hết sức tiết kiệm
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến công tác quản lý, điều hành ngân sách, đặc biệt là việc thực hiện dự toán và xây dựng dự toán NSNN năm 2025.
Cụ thể, về ý kiến một số khoản dự toán chi đầu tư và chi thường xuyên chưa phân bổ hết, giải ngân còn chậm, Phó Thủ tướng cho biết đây là một thực tiễn đòi hỏi phải có sự đổi mới về cách thức thực hiện mới có thể khắc phục.
Hiện nay, để thực hiện phân bổ đòi hỏi phải có đầy đủ thủ tục quy định theo các văn bản pháp luật. Như với đầu tư công, khi chưa có dự án được phê duyệt thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thể tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội phân bổ. Tương tự với chi thường xuyên, để phân bổ phải có dự toán và đơn giá, định mức được duyệt. Khi lập dự toán vào tháng 9, tháng 10 thì các bộ, ngành chưa lập được dự đoán chính xác, chỉ ước tính căn cứ vào đầu việc. Sau đó, khi có con số chính xác thì phải trình qua Chính phủ, Quốc hội.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên họp. |
Đơn cử như với phân bổ chi thường xuyên cho khoa học công nghệ, Quốc hội quy định là 2% tổng chi ngân sách nhưng các năm qua chỉ chi được hơn 1%. Nguyên nhân bởi dù dự toán là 2% nhưng khi thực hiện phải có đơn giá, định mức được phê duyệt, do các bộ, ngành phụ trách thực hiện. Tuy nhiên, sau khi tập hợp từ các bộ, ngành thì thường không đủ theo mức này. Sau khi tập hợp cũng phải báo cáo Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội… do đó thường sẽ chậm.
Trước thực tế này, mới đây Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp bàn về đổi mới trong việc phân bổ dự toán cả trong chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó, với chi thường xuyên, sau khi Quốc hội phê chuẩn thì giao một lần cho các đơn vị để phân bổ theo quy định. Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại việc thực hiện đúng hay không.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chia sẻ, vướng mắc ở đây là khi giao tổng thể như vậy thì có một số ý kiến cho rằng, việc phân bổ là thẩm quyền của Quốc hội. Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định dự toán và phân bổ ngân sách. Tuy nhiên, Chính phủ đã trình Quốc hội phân bổ tổng thể, quyết định về dự toán tổng thể, còn việc điều hành và quản lý dự toán thì giao lại cho Chính phủ. “Nếu chúng ta đồng thuận về mặt tư duy như vậy thì rõ ràng sẽ trôi chảy”, Phó Thủ tướng nói.
Về tiết kiệm chi, Phó Thủ tướng nêu rõ thực chất tiết kiệm chi thường xuyên chủ yếu ở phần chi sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, mua sắm, công tác phí, hội nghị, tiếp khách… chứ không áp dụng với lương và các khoản phụ cấp theo lương. Trong chi thường xuyên, chi cho tiền lương chiếm phần lớn, còn lại các khoản chi khác ngay đầu kì khi giao dự toán đã cắt giảm 10%. Sau đó lại giảm tiếp 5% và tới đây lại giảm tiếp 5%. Như vậy, tổng mức tiết kiệm đã đạt tới 20%. Trong khi đó, từ đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã nhiều lần tăng lương nhưng định mức chi là không thay đổi. Vì vậy, việc chi thường xuyên đã là hết sức tiết kiệm, Phó Thủ tướng khẳng định.
Hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo để đẩy mạnh tiết kiệm chi trong đầu tư công. Từ tiết kiệm trong định mức mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển… để tiết kiệm được 1% trong đầu tư.
Trong 4 năm, miễn, giảm gần 800.000 tỷ đồng thuế, phí
Trong phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu cho rằng việc thủ tục thu tiền sử dụng đất chậm trễ do thủ tục phức tạp. Phản hồi đại biểu, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ việc chậm ở đây là do xác định giá đất chậm, còn thủ tục thu tiền sử dụng đất không có gì phức tạp. Khi chưa có giá đất thì cơ quan thuế chưa thể phát hành hóa đơn để thu tiền sử dụng đất.
Thông thường, khi có giá đất thì căn cứ thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tính toán được tiền sử dụng đất ở là bao nhiêu, tiền thuê đất là bao nhiêu, sau đó cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế, người nộp thuế nộp vào kho bạc. Tuy nhiên, việc xác định được giá đất là rất khó khăn.
Toàn cảnh phiên họp sáng 5/11. |
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng cũng thông tin thêm hiện nay nợ tiền sử dụng đất của cả nước chiếm tới 45 % tổng nợ thuế của cả nước, thuộc vào nợ khó đòi. Số tiền phạt chậm nộp thậm chí gấp nhiều lần nợ gốc. Trong lần sửa Luật Đất đai vừa qua, dù đã có kiến nghị nhưng quy định vẫn giữ nguyên theo hướng giao đất thì mới tính tiền sử dụng đất. Do vậy, nhiều doanh nghiệp nhận đất rồi nhưng không nộp tiền sử dụng đất, tiền phạt chậm nộp lại thấp hơn lãi vay ngân hàng. Một số doanh nghiệp thua lỗ, phá sản khiến khoản tiền này không thể thu hồi…
Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu đề nghị làm rõ việc chống thất thu ngân sách. Giải trình, Phó Thủ tướng cho hay 4 năm qua chúng ta đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Theo đó, trong bốn năm đã miễn giảm nhiều loại thuế, phí lên đến gần 800.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, trong 4 năm này ngân sách cũng đã vượt thu gần 1 triệu tỷ đồng, tạo nguồn lực để đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội... Để có được kết quả như vậy, toàn ngành Thuế và ngành Hải quan đã phải đổi mới phương thức thu, từ thủ công sang điện tử.
Cùng với đó, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai quyết liệt như phát hành hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với máy tính tiền, yêu cầu xuất hóa đơn qua từng lần thanh toán; tăng cường quản lý thu qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, sàn thương mại điện tử trong nước, giao dịch chuyển nhượng bất động sản… Qua đó, việc điều hành chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả rất tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch./.
Đã thu 18.600 tỷ đồng qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giớiĐối với sàn thương mại điện tử, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết hiện đã cơ quan thuế đã triển khai thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới với 102 nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Google… Tổng số thuế đã nộp đến nay là 18.600 tỷ đồng. Với sàn thương mại điện tử trong nước thì năm nay bắt đầu thu. Dự kiến trong tuần sau, cơ quan quản lý sẽ cho ra mắt công cụ dùng AI để kiểm soát doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử. |