Theo ghi nhận, các địa phương lần lượt tháo bỏ giãn cách xã hội, các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng có dấu hiệu hoạt động trở lại. Trên thực tế, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) nhận thấy thực trạng đưa thông tin theo hướng "thổi phồng" công dụng sản phẩm, đặc biệt đối với loại sản phẩm là thực phẩm trong hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra khá phổ biến.

Nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính chỉ tồn tại nhờ số tiền những người mới gia nhập bỏ ra mua hàng. Công ty thu lợi nhuận từ khoản tiền này và cũng dùng khoản này để chia hoa hồng cho những người có công tuyển dụng.

Hơn nữa gần đây, nở rộ thủ đoạn lừa đảo người dùng Facebook bằng cách gửi tin nhắn mời chào mua hàng và thông báo trúng thưởng. Theo đó, các đối tượng thông qua tính năng Messenger để nhắn thông tin khuyến mại hoặc trúng thưởng đến người sử dụng Facebook. Sau đó, sẽ dẫn dụ người sử dụng Facebook truy cập các trang web giả mạo để điền thông tin nhận trả thưởng.

"Siết chặt" hoạt động bán hàng đa cấp trong tình hình mới.

Bằng thủ đoạn này, các đối tượng sẽ dụ nạn nhân khai báo các thông tin cá nhân như số điện thoại, mật khẩu tài khoản Facebook, email, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng... hòng chiếm đoạt với mục đích xấu.

Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho hay, hiện nay, chế tài xử lý hành chính bán hàng đa cấp sẽ dựa theo các quy định của Nghị định 141/2018/NĐ-CP, hoặc xử lý hình sự theo Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng, gây thiệt hại từ 500 triệu đồng, hoặc mạng lưới từ 100 người trở lên), hay “Điều 174 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.

Tuy nhiên trước thực trạng đáng báo động nêu trên, Bộ Công thương đã trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó bổ sung một số quy định nhằm nâng cao năng lực quản lý thông tin hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng.

Cụ thể, dự thảo nghị định bổ sung quy định đối với trường hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp theo hình thức trực tuyến (trong đó bao gồm việc giới thiệu thông tin về sản phẩm bán hàng đa cấp) thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thông báo đến sở công thương địa phương (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại một địa phương đó) hoặc sở công thương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại nhiều địa phương). Quy định này nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát về nội dung các hội nghị, hội thảo, đào tạo trong hoạt động bán hàng đa cấp hiện nay.

Đặc biệt, dự thảo nghị định bổ sung quy định cấm đối với doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp trong việc cung cấp các thông tin về hàng hóa trong bán hàng đa cấp đặc biệt đối với sản phẩm là thực phẩm theo một số "hình thức".

Đó là "Cung cấp thông tin" về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế. Cung cấp thông tin" về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Quy định này được bổ sung với mục đích để doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp nhận thức rõ tính nghiêm trọng khi vi phạm những hành vi này trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp. Trong trường hợp vi phạm, ngoài việc bị xử phạt hành chính, doanh nghiệp bán hàng đa cấp còn bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Hiện trên cả nước có 22 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Số lượng doanh nghiệp này đã được giữ ổn định trong 2 năm vừa qua. Năm 2020, Bộ Công thương đã triển khai công tác thanh tra chuyên ngành về chấp hành pháp luật quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và xử phạt 3 doanh nghiệp, với tổng số tiền phạt 1,46 tỷ đồng về các vi phạm hành chính trong hoạt động bán hàng đa cấp. Tại các địa phương, số tiền phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp chỉ hơn 400 triệu đồng, giảm nhiều so với thời gian trước.