Siết chặt kỷ luật tài chính qua công tác thanh tra, kiểm tra của Kho bạc Nhà nước
Siết chặt kỷ luật tài chính nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chặt chẽ, minh bạch và hiệu quả. Ảnh minh họa

Hoàn thiện tổ chức bộ máy, chuyển từ thanh tra sang kiểm tra chuyên ngành

Thực hiện Kết luận số 134-KL/TW ngày 28/3/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cùng Nghị quyết số 10-NQ/ĐUBTC ngày 12/5/2025 của Đảng ủy Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đã chủ động rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Kho bạc Nhà nước đã dừng toàn bộ, không thực hiện các cuộc thanh tra chuyên ngành còn lại theo kế hoạch đã xây dựng. Đồng thời, đã trình Bộ Tài chính Đề án “Kết thúc hoạt động thanh tra chuyên ngành để chuyển sang thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước”. Ngày 30/5/2025, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1892/QĐ-BTC sửa đổi, bổ sung các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị thuộc Bộ Tài chính, theo đó Thanh tra Kho bạc Nhà nước chuyển thành Ban Kiểm tra, Kiểm toán nội bộ; hoạt động thanh tra chuyên ngành tại Kho bạc Nhà nước chính thức kết thúc, chuyển sang mô hình kiểm tra chuyên ngành.

Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước, trước khi thực hiện sắp xếp, toàn hệ thống đã triển khai 7 cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện tổng số tiền vi phạm 101 triệu đồng. Trong đó, số tiền kiến nghị thu hồi là 101 triệu đồng, gồm 87,8 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước và 13,2 triệu đồng nộp về đơn vị, tổ chức. Ngoài ra, đơn vị đã ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 9 triệu đồng. Những kết quả này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, mà còn giúp siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính trong toàn hệ thống.

Ông Đinh Mạnh Tuấn - Trưởng ban Ban Kiểm tra, Kiểm toán nội bộ, Kho bạc Nhà nước cho biết, việc chuyển đổi từ thanh tra chuyên ngành sang kiểm tra chuyên ngành là bước đi phù hợp với chủ trương hiện đại hóa quản lý tài chính công, đảm bảo tránh chồng chéo, giảm thủ tục, đồng thời tăng cường công tác kiểm soát, giám sát.

Tăng cường kiểm tra nội bộ, giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn

Trong 6 tháng đầu năm 2025, do ưu tiên nguồn lực cho công tác sắp xếp tổ chức, Kho bạc Nhà nước đã tạm dừng các đợt kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch đầu năm và thay vào đó thực hiện kiểm tra đột xuất tại một số đơn vị trên cơ sở kết quả hoạt động và yêu cầu quản lý. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước chỉ đạo các Kho bạc Nhà nước khu vực chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra nội bộ năm 2025 phù hợp với thực tiễn địa bàn và mô hình tổ chức mới.

Việc triển khai công tác kiểm tra nội bộ đã được Kho bạc Nhà nước liên tục đổi mới theo hướng tinh gọn, tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc sử dụng các thông tin, dữ liệu kết xuất từ công tác giám sát từ xa cũng như truy cập được hồ sơ, chứng từ trên chương trình dịch vụ công trực tuyến. Vì vậy, thời gian kiểm tra trực tiếp tại đơn vị đã được rút ngắn mà vẫn đảm bảo được hiệu quả công việc, giúp ngăn ngừa được các rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống Kho bạc Nhà nước. Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống đã thực hiện 130 cuộc kiểm tra nội bộ (gồm 109 cuộc theo kế hoạch và 21 cuộc đột xuất); đã phát hiện tổng số tiền vi phạm 4,8 triệu đồng, số tiền kiến nghị thu hồi 4,8 triệu đồng.

Song song với kiểm tra trực tiếp, Kho bạc Nhà nước tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giám sát từ xa, mở rộng nội dung giám sát hoạt động của toàn hệ thống. Hoạt động này giúp các đơn vị Kho bạc Nhà nước nâng cao chất lượng tiếp nhận và xử lý hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, đồng thời kịp thời rà soát, thu hồi, nộp ngân sách đúng quy định. “Hiện Kho bạc Nhà nước đang nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí giám sát rủi ro cao, từng bước hình thành hệ thống cảnh báo sớm, góp phần phòng ngừa vi phạm ngay từ gốc” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ công chức làm công tác kiểm tra

Chiến lược Phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 đã xác định rõ nội dung hiện đại hóa công tác thanh tra - kiểm tra của kho bạc. Hơn nữa, trong bối cảnh mới với việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, công tác kiểm tra, giám sát từ xa càng cần phải đẩy mạnh, giúp nguồn ngân sách nhà nước được chi tiêu hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Trước bối cảnh đó, bước vào giai đoạn cuối năm 2025, Kho bạc Nhà nước xác định trọng tâm là hoàn thiện cơ chế, quy trình để chính thức vận hành chức năng kiểm tra chuyên ngành, thay thế hoạt động thanh tra trước đây. Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Ban Kiểm tra, kiểm toán nội bộ, nâng cao năng lực đội ngũ công chức kiểm tra, tăng cường phối hợp giữa các cấp, các đơn vị.

Đặc biệt, ông Đinh Mạnh Tuấn cho biết, mục tiêu của Kho bạc Nhà nước là vừa giảm thiểu rủi ro, vừa nâng cao năng lực phòng ngừa, cảnh báo, qua đó giúp quản lý tài chính công chặt chẽ, minh bạch và bền vững hơn. Theo đó, công tác kiểm tra nội bộ và giám sát từ xa sẽ tiếp tục được hiện đại hóa, chuyển đổi mạnh mẽ sang môi trường điện tử, môi trường số, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và hiệu quả giám sát.

Có thể nói, những kết quả nổi bật trong công tác thanh tra, kiểm tra là minh chứng cho nỗ lực đổi mới của hệ thống Kho bạc Nhà nước. Sự chuyển đổi từ “thanh tra” sang “kiểm tra chuyên ngành” không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, mà còn tạo tiền đề để Kho bạc Nhà nước tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao tính minh bạch, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia hiện đại, công khai và hiệu quả.

Đảm bảo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Ngoài thực hiện kiểm tra, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng được hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện đúng trình tự, thẩm quyền và thời hạn theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2025, không phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người, các đơn thư được xử lý kịp thời, khách quan, không có tình trạng đơn tồn đọng, kéo dài.

Kho bạc Nhà nước cũng thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến đường dây nóng, xác minh tài sản, thu nhập của công chức, đảm bảo tính minh bạch, phòng chống tiêu cực trong nội bộ.