"Siết chặt" quản lý mã số vùng trồng, thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững
"Siết chặt" quản lý mã số vùng trồng, thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững.

Tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng thấp

Tại hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 24/8, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp, tập trung phần lớn vào các sản phẩm: xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng là 40,8%; cơ sở đóng gói là 17% - con số này quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hàng năm.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định như sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng sử dụng mã số chưa đúng; các tranh chấp về quyền sở hữu mã số vẫn còn diễn ra ở một vài nơi...

Nếu tình trạng vi phạm này kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của hàng nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa...

Mã số vùng trồng, là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi tình trạng sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại và truy xuất nguồn gốc nông sản.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực thực hiện công tác cấp, quản lý và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm nhiều lần.

Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp thông tin về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và truy xuất thuận tiện. Các cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc, đầu tư trang thiết bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tổ chức liên kết chuỗi sản xuất thực chất từ vùng trồng - cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - doanh nghiệp xuất khẩu.

"Siết chặt" quản lý mã số vùng trồng, thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững
Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định để quản lý mã số vùng trồng.

Xây dựng nghị định quản lý mã số vùng trồng

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định, một nghị định về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rau quả, trái cây phục vụ xuất khẩu; một nghị định quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi phạm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Bộ Tư pháp đang hướng dẫn Bộ NN&PTNT triển khai xây dựng và sớm trình Chính phủ dự thảo 2 nghị định này.

Bộ NN&PTNT giao Cục Trồng trọt làm đầu mối xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể đối với từng mặt hàng rau quả, trái cây để đảm bảo khi thu hoạch sản phẩm phải đạt chất lượng cao nhất, trước hết là phục vụ người tiêu dùng trong nước cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Bộ NN&PTNT sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để siết chặt công tác quản lý để tới đây, tất cả các mặt hàng nông sản nếu được thu mua từ những khu vực có mã số vùng trồng phải đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm vi sinh vật gây hại, không vi phạm về an toàn thực phẩm và được chuẩn hóa về bao bì mẫu mã” - ông Hoàng Trung nói.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật phải tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu và để được các nước nhập khẩu cấp thêm các mã số mới cho hàng nông sản Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính rất mong sớm có chế tài, minh bạch hóa các mã số xơ sở đóng gói, mã số vùng trồng.

Về phía địa phương, là tỉnh có 6 cửa khẩu đang duy trì thông quan hàng hóa tại đây, trong đó chủ yếu là mặt hàng nông sản, ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản trên cả nước cần tăng cường công tác thông tin, phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan về tình hình thị trường, hoạt động xuất khẩu nông sản để chủ động, kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phù hợp với thực tiễn.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo hàng hóa khi xuất khẩu đáp ứng đầy đủ các quy định, yêu cầu của thị trường xuất khẩu về xuất xứ, chất lượng, bao bì đóng gói... để thông quan nhanh chóng, thuận lợi.../.

Ông Hoàng Trung yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng; phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ