tt

Hội thảo thu hút đông đảo đội ngũ trọng tài viên tham gia.

Thông tin tại hội thảo nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài viên do Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức, ngày 7/6.

Nói về tầm quan trọng của hoạt động trọng tài, bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho rằng, trong thời gian qua hoạt động trọng tài đã góp phần giải quyết các tranh chấp thương mại nhanh chóng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp; giảm tải cho hoạt động xét xử của tòa án; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù số vụ việc được giải quyết bằng trọng tài trong 4 năm qua đã có xu hướng tăng lên song so với nhu cầu thực tiễn, việc giải quyết các tranh chấp thương mại vẫn còn ở mức khiêm tốn. Theo thống kê, số vụ tranh chấp giải quyết bằng trọng tài tại Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trên tổng số vụ tranh chấp thương mại được tòa án thụ lý, xét xử hàng năm.

Thông tin cụ thể hơn về số vụ việc được giải quyết qua trọng tài thương mại, ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh tòa kinh tế, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội cho biết: Năm 2015, cơ quan này đã thụ lý 7 vụ, năm 2016 là 11 vụ, năm 2017 với 14 vụ; riêng 6 tháng đầu năm 2018 thụ lý 5 vụ. Trong đó, yêu cầu về khiếu nại thẩm quyền của Hội đồng trọng tài (HĐTT) là 4 vụ việc, yêu cầu hủy phán quyết là 26 vụ và công nhận cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài là 7 vụ.

Ông Tiến cho rằng, nhìn chung các quyết định phán quyết của HĐTT đã tuân thủ nghiêm túc quy định của Luật Trọng tài thương mại (TTTM), quy tắc tố tụng trọng tài và các quy định khác của pháp luật. “Với cảm nhận riêng của chúng tôi, các phán quyết của HĐTT thể hiện chất lượng chuyên môn cao, có sức thuyết phục về các lĩnh vực chuyên sâu như: xây dựng, dịch vụ, tài chính, ngân hàng..., là những lĩnh vực còn mới mẻ và ít tiếp xúc đối với thẩm phán” - ông Tiến nói.

Đồng quan điểm khi cho rằng, hoạt động trọng tài góp phần không nhỏ vào giải quyết các tranh chấp, tuy nhiên Luật sư Vũ Ánh Dương - Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận, thực tế số vụ được giải quyết qua trọng tài vẫn chưa tạo được nhiều kỳ vọng.

Ông Dương dẫn báo cáo đánh giá tác động của Hội Luật gia, dự kiến 5 năm sau khi Luật TTTM được ban hành thì tỷ lệ tranh chấp được giải quyết bằng TTTM phải chiếm khoảng 10% trong tổng số vụ án tranh chấp được thụ lý, song trên thực tế là chưa đạt được. Trong khi đó, những năm gần đây tranh chấp quốc tế đang có xu hướng giảm, ngược lại tranh chấp trong nước hiện chiếm khoảng 70% và có xu hướng gia tăng, nhất là ở các doanh nghiệp FDI.

Trước những thực tế trên, ông Dương kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét đề xuất sửa đổi Luật TTTM để Việt Nam được coi là quốc gia mẫu về TTTM quốc tế. Theo thống kê của Liên Hợp quốc, hiện đã có 80 quốc gia ban hành luật mẫu về TTTM quốc tế, trong khu vực ASEAN đã có 7 nước, chỉ còn 3 nước là Lào, Việt Nam và Indonesia là chưa có.

Mai Đan