Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Đến nay cơ bản hoạt động tại các cảng phía Nam đã trở lại bình thường. Để xử lý những bất cập tại các cảng vừa qua, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo hải quan các địa phương đơn giản thủ tục thông quan hàng hóa, cho phép hàng nhập khẩu tại Cát Lái được chuyển cảng về Bình Dương, Đồng Nai để giải phóng hàng.

Tiềm ẩn nguy cơ quá tải

Để đảm bảo cho hoạt động tại cảng Cát Lái ổn định thông suốt, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp (DN) đã tăng tốc giải phóng container hàng nhập ra khỏi cảng, trên cơ sở cơ quan hải quan đã đồng ý cho chuyển các container hàng tồn trên 90 ngày về cảng Hiệp Phước. Đây là giải pháp hiệu quả, kịp thời của cơ quan hải quan giúp cho cảng Cát Lái “hạ nhiệt”.

Từ quyết định cho phép chuyển cảng hàng nhập khẩu của cơ quan hải quan, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn có dư địa để tối ưu hóa việc sử dụng kho, bãi trong cảng, điều tiết giữa các loại hàng hóa, tận dụng chỗ chứa của hàng xuất khẩu để chứa hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn giảm lượng hàng nhập về cảng bằng cách thông báo với các hãng tàu, DN tạm ngừng sản xuất thì liên hệ với phía nước ngoài chưa giao hàng hoặc chậm đưa hàng về Việt Nam. Các hãng tàu cũng điều tiết kế hoạch để giảm lưu lượng đưa hàng nhập về cảng Cát Lái cùng một thời điểm, trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

“Với nỗ lực nêu trên, hiện lượng hàng tồn tại Cát Lái giảm còn 85%, không còn căng thẳng như thời gian trước. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường vẫn tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc hàng tại Cát Lái” - ông Nguyễn Phương Nam bày tỏ lo ngại.

Thể chế hóa quy định về thủ tục hải quan tại cảng biển

Theo thông báo, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 1 tháng kể từ 15/8 - 15/9/2021 và diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp. Do đó, hoạt động của DN được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, có thể nhiều DN buộc phải ngừng sản xuất dẫn đến việc các container phải lưu giữ tại các cảng biển gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ quá tải hàng hóa.

Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hải quan

Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính xây dựng và chuẩn bị ban hành thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển.

Thông tư này nhằm giải quyết những vấn đề làm sao để đơn giản và nhanh chóng về thủ tục hải quan, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, thông tư giải quyết việc nộp, xuất trình chứng từ bản chính hiện nay có thể thay thế bằng bản scan dưới dạng file điện tử để chuyển cho cơ quan hải quan mà doanh nghiệp không cần phải đến nộp trực tiếp cho cơ quan hải quan.

Đánh giá tình hình hiện nay, ông Nguyễn Phương Nam phân tích, dư địa tại các cảng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và khu vực lân cận sức chứa hàng hóa chỉ bằng 30% - 35% năng lực của cảng Cát Lái. Trường hợp nếu Cát Lái ùn tắc trong một thời gian nữa thì các cảng trên địa bàn các tỉnh phía Nam cũng có nguy cơ ùn tắc, do năng lực tiếp nhận, sức chứa có giới hạn.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ hiện nay theo ông Nam là tạo điều kiện hết sức để DN đang sản xuất có thể làm thủ tục thông quan nhanh chóng nhất, đưa hàng hóa về nhà máy kịp thời, góp phần giảm hàng hóa tồn đọng tại cảng. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ DN trong việc tạo nguồn lao động “sạch”, bằng cách tiêm vắc-xin cho công nhân khu công nghiệp. “Nhà máy, DN hoạt động được thì hàng hóa tại các cảng mới được khơi thông. DN mà yếu đi thì hàng hóa sẽ tồn đọng tại cảng” - ông Nam bày tỏ.

Đề cập đến dự thảo thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển đang được Bộ Tài chính xây dựng - ông Nguyễn Phương Nam bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ.

“Chúng tôi đánh giá cao giải pháp của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương triển khai, kịp thời ngăn chặn tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng Cát Lái. Nếu không kịp thời thì cảng Cát Lái đã xảy ra tình trạng quá tải như tại các nước ngoài. Đặc biệt là sự chủ động của Bộ Tài chính luật hóa văn bản, tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động tại cảng Cát Lái và văn bản của Tổng cục Hải quan ban hành ngày 2/8/2021 về việc giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái sẽ được ban hành theo thể thức thông tư, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của DN và cơ quan hải quan ” - ông Nguyễn Phương Nam khẳng định.

* Trưởng phòng điều độ cảng Sóng Thần Đỗ Chiến Công:

Cấp bách giảm chi phí lưu container, chi phí kho bãi

Cảng Sóng Thần đã có sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan hải quan sẵn sàng tiếp nhận hàng nhập khẩu từ cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh về cảng Sóng Thần, Bình Dương để lưu giữ nhằm “hạ nhiệt” cho cảng Cát Lái.

Hiện nay, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã rà soát, thống kê danh sách 40 DN có hàng hóa tồn cảng trên 15 ngày, đủ điều kiện chuyển hàng về các ICD (cảng cạn nội địa) tại Bình Dương, Đồng Nai. Việc DN chuyển hàng nhập khẩu về các cảng ICD sẽ đạt được 2 lợi ích giảm tải cho cảng Cát Lái, thuận tiện hơn cho DN nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, để thu hút DN đưa hàng nhập khẩu về các ICD nội địa như Sóng Thần cần có sự hỗ trợ chi phí cho DN xuất nhập khẩu đưa hàng về Bình Dương làm thủ tục. Hiện nay chi phí nhập hàng về cảng Sóng Thần cao hơn nhập về cảng Cát Lái do chính sách khuyến khích của các hàng tàu và DN kinh doanh cảng.

*Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn Bùi Văn Quỳ:

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Với những giải pháp kịp thời của các bộ, ngành, đến nay hoạt động tại cảng Cát Lái dần trở lại bình thường, lượng hàng tồn tại cảng đã giảm và tàu hàng không phải chờ đợi.

Để hỗ trợ DN chuyển hàng nhập khẩu về các cảng lân cận TP. Hồ Chí Minh lưu giữ và làm thủ tục thông quan, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng thông báo miễn, giảm loạt phí dịch vụ với DN xuất nhập khẩu khi làm thủ tục nhận hàng hoặc miễn phí vận chuyển, phí nâng hạ hai đầu nếu chuyển hàng sang các ICD Long Bình, Nhơn Trạch, Sóng Thần và cảng Hiệp Phước. DN nhận container từ tàu cập cảng Hiệp Phước được miễn phí giao nguyên container, phí lưu bãi... Còn nếu DN trực tiếp lấy container tại cảng Cái Mép - Thị Vải thì giảm 50% phí nâng, hạ container...

*Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần XNK Nam Thái Sơn Trần Việt Anh:

Chi phí gia tăng, doanh nghiệp sẽ khó chuyển cảng

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn làm thủ tục thường xuyên tại cảng Cát Lái với lưu lượng xuất nhập khẩu 200 container/tháng. Do dịch Covid-19 và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg nên việc lấy hàng ở cảng Cát Lái gặp khó khăn, nếu giao hàng chậm khả năng mất bạn hàng và bị phạt hợp đồng có thể xảy ra. Đó là chưa kể tiền kho, bãi, DN phải chi phí thêm 400.000 đồng/ngày/container. Trường hợp cảng Cát Lái không tiếp nhận container nhập khẩu và phải chuyển về cảng khác trong khu vực, thì DN phải chi phí vận chuyển thêm 3 triệu đồng; làm việc với hãng tàu thay đổi địa điểm nhận hàng, chỉnh sửa vận đơn chi phí thêm hơn 100 USD. Vì vậy, bên cạnh sự tạo thuận lợi thông quan hàng hóa của cơ quan hải quan, DN rất cần sự chia sẻ miễn giảm chi phí từ DN kinh doanh cảng và các hãng tàu, cùng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.


Hải Linh