Sóng sau xô đổ sóng trước, tương lai  giá vàng ngày càng mông lung

Sức nóng ngày càng tăng

Tại thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trong mấy ngày qua đã có thời điểm vượt ngưỡng 2.360 USD/uonce. Đến sáng ngày 11/4, giá vàng tuy có điều chỉnh đôi chút những vẫn còn neo ở mức rất cao với 2.340 USD/uonce. Mức giá hiện tại theo đó đã tăng khoảng 8% so với cuối tháng 3/2024 và đã tăng trên 15% so với cuối tháng 2/2024. Diễn biến này thậm chí đã khiến nhiều dự đoán của cả các tổ chức tài chính lớn cũng nhanh chóng bị lạc hậu.

Chính phủ chỉ đạo sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng

Tại Nghị quyết 44/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Chẳng hạn hồi cuối tháng 2/2024, Goldman Sachs đưa ra một báo cáo dự báo giá vàng có thể tăng lên 2.175 USD/ounce trong vòng 12 tháng tới (kể từ thời điểm công bố báo cáo). Lập luận của cơ quan này cho rằng hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và nhu cầu mua lẻ tại các thị trường mới nổi gia tăng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ qua hơn 1 tháng kể từ khi báo cáo này công bố thì giá vàng đã vượt xa hơn rất nhiều so với dự báo đưa ra trong báo cáo trên.

Ngoài ra, một số lập luận trước đây cho biết ảnh hưởng của giá vàng tăng là do kỳ vọng của thị trường về chu kỳ giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Mặc dù vậy thời gian qua, động thái thực tế của FED càng ngày càng cho thấy họ vẫn khá “đủng đỉnh” trong việc thực hiện kế hoạch giảm lãi suất.

Hồi tháng 12/2023, thị trường kỳ vọng FED sẽ giảm lãi suất vào tháng 3/2024 và đây là là một trong những lý do khiến dòng tiền đổ vào vàng, nhưng thực tế tháng 3/2024 cũng vẫn chưa thấy FED hạ lãi suất.

Trong khi đó hồi tháng 3/2024, các công cụ dự báo về kỳ vọng FED có thể giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 6/2023, nhưng gần đây những phát biểu của lãnh đạo FED và các chỉ số vĩ mô của Mỹ cho thấy khả năng giảm lãi suất trong tháng 6 có thể cũng vẫn chưa rõ ràng.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,4% trong tháng 3 và cao hơn 3,5% so với một năm trước. CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 3,8% so với cùng kỳ và tăng 0,4% so với tháng 2, cao hơn dự đoán lần lượt là 3,7% và 0,3%.

Tuy khả năng về thời điểm FED ngày càng tăng mơ hồ, nhưng giá vàng có thể không phải chỉ chịu ảnh hưởng bởi lãi suất vì còn nhiều yếu tố đan xen khác có thể chi phối, trong đó tình hình về các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới vẫn còn khá phức tạp.

Vàng nhẫn lên ngôi

Sóng sau xô đổ sóng trước, tương lai  giá vàng ngày càng mông lung
Ảnh minh họa.

Với thị trường trong nước, giá vàng cũng bùng nổ theo các diễn biến trên thị trường quốc tế và các kỷ lục mới cũng liên tục bị phá vỡ. Tại thời điểm sáng ngày 11/4, giá vàng miếng SJC 9999 ghi nhận mức mua vào là 82,3 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 84,3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn là 74,8 triệu đồng/lượng mua vào và 76,5 triệu đồng/lượng bán ra.

Diễn biến giá vàng trong nước cho thấy vàng nhẫn sau một số ngày thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới thì đang lại giãn dần khoảng cách xa hơn. Cụ thể, giá vàng thế giới thời điểm sáng ngày 11/4 nếu quy đổi theo tỷ giá bán ra của Vietcombank cùng thời điểm sẽ có giá là 71.100 đồng/lượng. Với mức giá này, giá vàng nhẫn đang cao hơn giá thế giới khoảng 3,7 triệu đồng/lượng mua vào và 5,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tuy nhiên, vàng miếng đang có vẻ đang giảm dần sức hấp dẫn hơn so với trước khoảng cách giữa loại vàng này với vàng nhẫn và các loại vàng không độc quyền đang ngày càng thu hẹp hơn. Tại thời điểm sáng ngày 11/4, giá vàng miếng chỉ còn chênh 7,8 triệu đồng/lượng so với vàng nhẫn, mức chênh lệch này thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn năm 2023 và đầu năm 2024 khi cho nhiều thời điểm 2 loại vàng này chênh lệch nhau tới 14 – 15 triệu đồng/lượng.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, thị trường vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang vàng nhẫn do người mua lo ngại giá vàng miếng SJC ở mức cao. Trong khi đó, thị trường vàng nhẫn không đủ nguồn nguyên liệu nên rơi vào tình cảnh khan hiếm dù không phải là thương hiệu độc quyền.

Mặc dù vậy, sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn tồn tại sẽ vẫn là yếu tố đang lo ngại. Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, giá vàng trong nước và thế giới còn chênh lệch nhau cao sẽ vẫn tạo rủi ro cho người mua vàng và việc đó cũng vô tình “khuyến khích” cho hoạt động buôn lậu vàng. Đó là điều bất lợi cho kinh tế và bất lợi cho thị trường vàng.

CẦN MỘT CHÍNH SÁCH HÀI HÒA LỢI ÍCH NHÀ NƯỚC, DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN

Sóng sau xô đổ sóng trước, tương lai  giá vàng ngày càng mông lung

GS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính cho rằng, thay vì chọn con đường dễ trong quản lý thị trường vàng bằng công cụ hành chính, mệnh lệnh như Nghị định 24, chúng ta có thể chọn con đường để vận hành theo cơ chế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chính sách phù hợp sẽ đem lại hiệu quả tốt cho sự hoạt động của thị trường vàng phát triển lành mạnh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Trước đây, chúng ta đã quản lý thị trường vàng một cách hết sức chặt chẽ, theo kiểu hành chính mệnh lệnh, trong bối cảnh thị trường vàng thời gian trước đã từng có nhiều bất ổn. Sự e ngại của nhà quản lý trong một giai đoạn trước đây là cần thiết, nhưng chúng ta cũng cần tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ và các cơ quan chức năng về những kết quả to lớn trong điều hành chính sách kinh tế những năm qua.

Chính phủ đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về ổn định kinh tế vĩ mô và các giải pháp hạn chế tình trạng Đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế, quản lý có hiệu quả thị trường ngoại tệ với các giải pháp tăng cường công tác quản lý tài sản. Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng, thay đổi tư duy trước hết cần quán triệt các nguyên tắc quản lý thị trường vàng trong nền kinh tế thị trường.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách chỉ điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính.

Các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh thì phải để họ tự hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng (tuổi vàng), trọng lượng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp đã đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu cũng tồn tại thay vì độc quyền.

Thị trường vàng Việt Nam phải liên thông với thị trường vàng thế giới, phải loại bỏ yếu tố giá cách biệt như hiện nay bằng giải pháp thị trường. Cung phải gắn với cầu, tiến tới tự do hóa xuất nhập khẩu, Nhà nước chỉ điều tiết bằng chính sách như các nước khác trên thế giới.

Một số giải pháp nữa cần quan tâm là bảo đảm quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức và cá nhân như quyền nắm giữ, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố…; tiến tới chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua hợp đồng kỳ hạn.

Hoàng Long