Chuyển đổi biểu thuế, danh mục
Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Chính phủ đã ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Nghị định này nhằm hướng dẫn doanh nghiệp đang có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hiểu rõ hơn đối tượng được áp dụng thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi và thủ tục doanh nghiệp cần thực hiện để được áp dụng mức thuế suất ưu đãi.
Những hướng dẫn này giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn lộ trình cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Từ đó thấy rõ hơn được việc đảm bảo tuân thủ và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, đặc biệt là các cam kết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay các FTA.
Việc ban hành Nghị định sửa đổi là thực hiện theo đúng lộ trình khi Việt Nam ký kết các FTA cũng như các cam kết quốc tế. Ảnh: HN |
Hiện nay, để tiếp tục hoàn thiện chính sách phù hợp hơn với thực tế, Bộ Tài chính đã dự thảo một bản nghị định mới và lấy ý kiến các đối tượng liên quan.
Một điểm quan trọng của dự thảo này là chuyển đổi Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan để đảm bảo phù hợp với Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) 2022.
Một số mã hàng so với Danh mục AHTN 2017 được sử dụng để ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành. Đồng thời, so với Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành thì một số mã hàng đã được tách, gộp và quy định mới. Đối với các mã hàng này, Bộ Tài chính trình Chính phủ xử lý việc chuyển đổi các dòng thuế theo nguyên tắc đảm bảo tuân thủ cam kết về mức thuế suất trần trong WTO; duy trì sự chênh lệch không quá lớn so với mức thuế suất ưu đãi đặc biệt quy định tại các Hiệp định FTA (thuế suất FTA).
Bên cạnh đó, đảm bảo hạn chế tối đa việc gây xói mòn cơ sở thuế do việc gộp dòng dẫn đến việc phải quy định mức thuế suất thấp hơn so với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện hành; tuân thủ nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; đảm bảo sự thuận lợi cho cơ quan hải quan, các cơ quan liên quan và người nộp thuế trong việc phân loại, áp mã.
Minh bạch hoá thông tin
Phân tích về ý nghĩa của sự sửa đổi này, TS. Nguyễn Thị Kim Oanh, Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, điều đó tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan hải quan trong việc thống nhất thực hiện khi làm thủ tục hải quan đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quy định tại nghị định này. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị kim ngạch XNK trong thời gian tới đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa có thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi, từ đó giúp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển.
Ở một khía cạnh khác, doanh nghiệp kinh doanh những hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa được ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu khi có Biểu thuế ưu đãi với thông tin cụ thể, sẽ có thể tính toán được chính xác chi phí thuế với từng mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu, cũng như những điều kiện cần đáp ứng để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, từ đó giúp doanh nghiệp xây dựng được kế hoạch tài chính, kế hoạch dòng tiền, chiến lược kinh doanh cụ thể, chính xác và hạn chế tối đa rủi ro có thể gặp phải.
Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi TS. Nguyễn Thị Kim Oanh cho rằng, khi các Biểu thuế được ban hành, cần có công cụ phần mềm đi kèm để có thể dễ dàng tra cứu thay vì phụ thuộc vào các văn bản giấy. Việc tra cứu thông tin dễ dàng, chính xác sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện, đồng thời thực hiện đúng những điều kiện về ưu đãi thuế suất và nhanh chóng được hưởng lợi từ thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi. Đồng thời, cơ quan hải quan cũng sẽ thuận lợi hơn trong công tác kiểm tra hải quan. |
Cũng theo bà Oanh, đối với những hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa có thuế xuất khẩu ưu đãi, các quy định trong dự thảo nghị định sẽ góp phần khuyến khích sản xuất, tăng nguồn thu ngoại tệ đối với hàng hóa xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, tạo ra nhiều lợi thế cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu; đồng thời hạn chế xuất khẩu khoáng sản tài nguyên chưa qua chế biến, giảm xuất khẩu hàng hóa gia công giá trị gia tăng thấp.
Đứng trên góc độ quản lý nhà nước, việc ban hành Nghị định sửa đổi là thực hiện theo đúng lộ trình khi Việt Nam ký kết các FTA, cũng như các cam kết quốc tế. Việc này góp phần làm minh bạch hoá thông tin, giúp hỗ trợ doanh nghiệp có thông tin một cách rõ ràng.
Việc thực hiện nội luật hóa văn bản quốc gia để phù hợp với cam kết quốc tế là tất yếu khi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi được sửa đổi một cách kịp thời, theo sát lộ trình triển khai các FTA đã được ký kết, tạo ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Bởi theo xu hướng tự do hóa thương mại hiện nay, các dòng thuế quan ngày càng giảm đi, nếu việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thay đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi muộn hơn so với lộ trình cắt giảm thuế quan sẽ làm cho doanh nghiệp thiệt thòi, không được hưởng sớm mức thuế suất giảm này.