Sửa luật để hoàn thiện quy định ưu đãi thuế cho doanh nghiệp
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Ưu đãi thuế khuyến khích đổi mới sáng tạo

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cụ thể: về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế, chuyển lỗ; sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc, điều kiện ưu đãi thuế TNDN.

Bộ Tài chính đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện chính sách này. Theo đó, bộ đã rà soát, sắp xếp lại các lĩnh vực ưu đãi và địa bàn ưu đãi thuế nhằm góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, mở rộng cơ sở thu; tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Ngoài ra, chính sách tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành: dịch vụ chất lượng cao, khuyến khích đổi mới sáng tạo, xã hội hóa, bảo vệ môi trường, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đầu tư tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, đối với lĩnh vực đặc biệt ưu đãi về thuế TNDN, dự thảo bổ sung thêm các lĩnh vực đã được quy định tại các luật mới được ban hành gần đây, đảm bảo phù hợp với chủ trương, định hướng của Nhà nước. Theo đó, dự thảo bổ sung các lĩnh vực được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020; bổ sung hoạt động cung cấp một số dịch vụ phần mềm quan trọng và sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số cần ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ...

Đối với lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN, Bộ Tài chính đề xuất sắp xếp lại theo hướng, bổ sung các lĩnh vực: đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cơ sở ươm tạo DNNVV; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DNNVV, để đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư.

Ngoài ra, dự thảo lược bỏ lĩnh vực: “tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản”, “phát triển ngành nghề truyền thống”, vì đây là những lĩnh vực mà đối tượng ưu đãi không rõ về tiêu chí để thực hiện.

Ưu đãi đúng đối tượng, tránh dàn trải

Đối với địa bàn ưu đãi thuế, Bộ Tài chính đã rà soát để sắp xếp, thu gọn địa bàn ưu đãi thuế, đảm bảo ưu đãi đúng đối tượng, khắc phục việc ưu đãi dàn trải. Các ưu đãi mới này hướng tới khuyến khích nhà đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đảm bảo có sự phát triển đồng đều, giải quyết được tình trạng ưu đãi cào bằng gây lãng phí nguồn lực.

Số lượng doanh nghiệp được miễn giảm ít, số thuế được ưu đãi nhiều

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, mặc dù số trường hợp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chỉ chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp (năm 2016 là 3,02%, năm 2017 là 3,12%, năm 2018 là 3,01%, năm 2019 là 2,93% và năm 2020 là 3,25%) nhưng số thuế TNDN được miễn, giảm chiếm tỷ trọng lớn trong số thu thuế TNDN (năm 2017 là 37,18 %, năm 2018 là 30,67%, năm 2019 là 27,38% và năm 2020 là 27,01%).

Ngoài ra, các quy định về ưu đãi đối với khu kinh tế (KKT) sẽ được sửa đổi theo hướng không áp dụng thống nhất cùng một mặt bằng chính sách ưu đãi mà có sự phân biệt dựa theo trình độ phát triển, điều kiện của từng khu vực trong KKT. Đối với khu công nghiệp (KCN), chỉ áp dụng ưu đãi đối với phần diện tích KCN nằm trên địa bàn ưu đãi thuế hoặc đặc biệt ưu đãi thuế.

Không áp dụng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư trong khu công nghệ cao mà không phải dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thực hiện tại địa bàn ưu đãi thuế chỉ được áp dụng ưu đãi thuế đối với phần thu nhập phát sinh tại địa bàn ưu đãi thuế.

Luật thuế TNDN hiện hành quy định về thuế suất ưu đãi, bao gồm các mức ưu đãi 10%, 15% và 17%. Về thời hạn ưu đãi, ngoài trường hợp áp dụng thuế suất ưu đãi trong suốt thời gian thực hiện dự án (áp dụng đối với mức ưu đãi 10% và 15%) thì còn có mức ưu đãi 10% trong 15 năm, trường hợp đặc biệt thời gian ưu đãi có thể được kéo dài đến 30 năm và mức ưu đãi 17% trong 10 năm.

Luật thuế TNDN còn có quy định về thời gian miễn, giảm thuế, trong đó có 2 mức ưu đãi miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, còn có quy định miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo. Ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế áp dụng đối với cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.

Trước năm 2009, theo quy định của Luật thuế TNDN năm 2003, chính sách ưu đãi thuế TNDN được thực hiện dựa trên lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư. Theo đó, so với số lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư, số lĩnh vực được ưu đãi thuế TNDN đã được thu gọn hơn, còn 30 nhóm lĩnh vực được ưu đãi (trong đó 23 nhóm lĩnh vực được áp dụng mức ưu đãi cao nhất, 7 nhóm lĩnh vực áp dụng mức ưu đãi thấp hơn).

Những điều chỉnh, bổ sung về chính sách ưu đãi thuế cùng với những cải cách, nâng cao môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước.

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên nhiều phương diện, trong đó có yếu tố chính sách ưu đãi thuế, nhất là thuế TNDN. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện hành cũng đã bộc lộ những nhược điểm, hạn chế cần được nghiên cứu, rà soát lại cho phù hợp.

Thống nhất, đồng bộ chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp

Bộ Tài chính trình Chính phủ dự kiến tiến độ của dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) như sau: Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi), trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 vào tháng 5/2024. Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024) và thông qua dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).

Theo một số chuyên gia kinh tế, chính sách ưu đãi thuế hiện nay vẫn còn được lồng ghép trong các luật chuyên ngành. Trong quá trình xây dựng các luật chuyên ngành thời gian qua, tại một số văn bản luật vẫn tiếp tục có các quy định về chính sách ưu đãi thuế đã ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, làm tăng tính dàn trải và giảm tính trung lập của thuế. Do đó, tại Luật thuế TNDN sửa đổi lần này phải bao quát được hết các ưu đãi thuế tại các văn bản luật.

Tham góp ý kiến về vấn đề này, theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, việc ưu đãi thuế TNDN đối với một số lĩnh vực, địa bàn và đối tượng doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển. Khi doanh nghiệp kinh doanh tốt thì kinh tế sẽ phát triển, từ đó sự đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách cũng tốt hơn.