![]() |
Nguồn thu từ xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước. Ảnh Lê Hoàn |
Bỏ quy định về "thời kỳ ổn định ngân sách"
Theo dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, quy định về phân cấp quản lý thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách sẽ có những thay đổi đáng kể.
Thưởng vượt dự toán thu thuế xuất khẩu, nhập khẩuDự thảo Luật bỏ quy định sử dụng tăng thu để thưởng vượt dự toán thu phân chia cho ngân sách cấp dưới và bổ sung mới quy định về thưởng vượt dự toán thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu cho các địa phương. Theo đó, “trường hợp địa phương có số thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới đất liền tăng thu so với dự toán trung ương giao, ngân sách trung ương trích một phần theo tỷ lệ không quá 10% số tăng thu thưởng cho địa phương, tối đa 200 tỷ đồng và không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước”. |
Theo đó, các nguyên tắc và quy định liên quan đến “thời kỳ ổn định ngân sách” sẽ được bãi bỏ, để đảm bảo tính chủ động của địa phương cấp tỉnh, đồng thời phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã được Bộ Chính trị quyết định.
Luật Ngân sách nhà nước hiện hành quy định thời kỳ ổn định ngân sách là ổn định số bổ sung cân đối và tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, được ổn định 5 năm trùng với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sau mỗi thời kỳ ổn định, các địa phương phải tăng mức tự chủ ngân sách.
Tuy nhiên, cơ chế này tạo ra sự co kéo, căng thẳng khi xác định dự toán thu, chi ngân sách của năm đầu thời kỳ ổn định. Trong thời kỳ ổn định ngân sách, địa phương tăng thu được hưởng toàn bộ số tăng thu, không thể san sẻ với ngân sách trong trường hợp ngân sách trung ương hụt thu. Trong khi đó, kết thúc năm ngân sách khi có địa phương giảm thu, ngân sách trung ương vẫn phải bổ sung nguồn lực để hỗ trợ địa phương giảm thu.
Đồng thời, việc phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong dự thảo được sửa đổi theo hướng thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu nhập khẩu (theo luật hiện hành ngân sách trung ương hưởng 100%), thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất (hiện nay địa phương hưởng 100%) sẽ thực hiện phân chia giữa trung ương và địa phương.
Dự thảo cũng quy định cụ thể tỷ lệ phân từng khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương cho từng nhóm địa phương theo đúng Kết luận số 93 của Bộ Chính trị. Riêng đối với thuế giá trị gia tăng, sau khi hoàn thuế thực hiện phân chia ngân sách trung ương 70%, ngân sách địa phương 30%, việc phân chia cho từng địa phương được thực hiện theo nguyên tắc, tiêu chí do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hằng năm.
Trường hợp ngân sách trung ương giảm vai trò chủ đạo hoặc có biến động lớn về thu, chi ngân sách nhà nước giữa các địa phương, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ phân chia các khoản thu phân chia nêu trên cho phù hợp.
Quy định này, theo cơ quan soạn thảo, nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Ngân sách Nhà nước dẫn đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương có xu hướng giảm, trong khi tỷ trọng thu ngân sách địa phương ngày càng tăng theo quy mô tăng thu hằng năm.
Hội đồng nhân dân được ban hành một số loại phí, lệ phí ngoài danh mục
Cùng với đó, để tăng tính chủ động của ngân sách địa phương, dự thảo Luật bổ sung quyền hạn của Hội đồng nhân dân là được phép ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật phí và lệ phí đã quy định
Hiện nay, quy định này chỉ được áp dụng tại Luật Thủ đô và một số Nghị quyết của Quốc hội cho phép một số địa phương thí điểm thực hiện. Theo đó, cho phép một số địa phương được ban hành thêm một số khoản phí, lệ phí ngoài danh mục do trên địa bàn (đặc biệt là các đô thị lớn) có một số loại phí, lệ phí chưa được quy định như thu phí đậu đỗ xe ôtô, thu phí các loại phương tiện cơ giới cá nhân tham gia lưu thông vào khu vực trung tâm, phí thuê vỉa hè, phạt vi phạm hành chính trên địa bàn,...
Việc áp dụng quy định này trên cả nước sẽ tạo điều kiện cho địa phương chủ động, linh hoạt, có công cụ tăng cường chức năng quản lý nhà nước tại địa bàn. Đồng thời, có thêm nguồn thu ngân sách trên địa bàn, tạo dư địa nguồn lực tài chính bổ sung cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chi của các địa phương trong bối cảnh cần phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Một nội dung khác tăng tính chủ động cho ngân sách địa phương là sửa đổi, bổ sung quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương. Luật hiện hành quy định phân theo 3 nhóm địa phương, mỗi nhóm địa phương cứ vào khả năng ngân sách của từng địa phương và tỷ lệ thu ngân sách được hưởng theo phân cấp so với chi thường xuyên.
Dự thảo mới sửa đổi, bổ sung thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay. Theo đó, nhóm các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương có mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Với nhóm các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mức dư nợ vay không vượt quá 80% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Quy định sẽ đảm bảo mức dư nợ vay các địa phương đã được Quốc hội quyết định tại Luật Thủ đô và Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù. Mặt khác, việc xác định mức dư nợ của địa phương theo tỷ lệ thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp so với chi thường xuyên sẽ thay đổi hằng năm, thậm chí sẽ có sự khác nhau giữa khi xác định theo dự toán ngân sách đầu năm và thực hiện cuối năm, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện./.