Theo các chuyên gia về pháp lý và ý kiến từ lực lượng thực thi pháp luật, thời gian vừa qua, một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước mới được ban hành với nhiều nội dung mới đặt ra vấn đề cần thiết phải rà soát các quy định về hành vi vi phạm hành chính có liên quan để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật.

Cấp thiết sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt hành vi buôn bán hàng giả
Lực lượng chức năng kiểm tra nhãn mác chất lượng hàng thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: CTV

Cụ thể, trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 20/6/2023, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 19/2023/QH15, có hiệu lực từ 01/7/2024, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi.

Qua đánh giá thực tế, Bộ Công thương cho hay, trong hơn 3 năm triển khai thi hành, Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan, lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, tổng kết 3 năm thi hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng cho thấy, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề hạn chế, bất cập trong áp dụng pháp luật.

Đó là sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh một hành vi vi phạm hành chính dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng; một số quy định chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu không thống nhất...

Bộ Công thương khẳng định, với những yêu cầu đặt ra, việc hoàn thiện dự thảo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi trình lên Chính phủ xem xét, sớm thông qua, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả hơn là rất cấp thiết.