Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – quản trị kinh doanh (Bộ Tài chính) nhận định, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên, việc tìm kiếm các giải pháp tài chính xanh để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững trở thành một yêu cầu cấp bách và quan trọng.
TS. Nguyễn Trọng Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đức Minh |
Trước tình hình đó, tài chính xanh đã nổi lên như một công cụ hữu hiệu để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tài chính xanh bao gồm các khoản đầu tư và dịch vụ tài chính nhằm thúc đẩy các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường, giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến khí hậu và tài nguyên.
Chủ đề “Tài chính xanh đối với phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam” được chọn để thảo luận tại hội thảo lần này nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý kinh tế, doanh nghiệp và ngân hàng cùng nhau trao đổi, thảo luận về các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến tài chính xanh. |
“Tài chính xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế mới, thúc đẩy sự phát triển bền vững và tăng trưởng toàn diện” - TS. Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá.
Các công cụ tài chính như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh, các khoản vay ưu đãi cho các dự án thân thiện với môi trường đã chứng minh hiệu quả trong việc huy động vốn và phân bổ nguồn lực một cách bền vững.
Thông tin tại hội thảo, TS Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 70 bài viết và lựa chọn, biên tập được 56 bài viết có chất lượng để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Minh |
Những bài viết này sẽ cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cũng như các giải pháp, kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp trong việc đổi mới và vận dụng cơ chế, chính sách tài chính xanh nhằm phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Cũng theo Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Nghĩa, với mục tiêu chiến lược trở thành trường đại học kinh tế đa ngành, nhà trường hướng đến đào tạo kỹ năng thực hành, đảm bảo tiêu chuẩn hóa và hiện đại hóa toàn diện từ chương trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên, đến cơ sở vật chất và hệ thống quản lý. Trường tập trung đào tạo cử nhân kinh tế đa ngành với kỹ năng thực hành cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Hội thảo thu hút sự tham gia dự của các nhà khoa học, nhà quản lý kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng tham dự. Ảnh: Đức Minh. |
Việc nhà trường tổ chức hội thảo khoa học nhằm tạo ra một diễn đàn giao lưu học thuật, nơi các nhà khoa học đến từ các trường đại học, học viện và các tổ chức nghiên cứu như: Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Học viện Ngân hàng, Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh… và nhà quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có thể chia sẻ, thảo luận và phản biện một cách thẳng thắn, góp phần hiện thực hóa chiến lược đào tạo của nhà trường.