Ảnh minh họa

Tăng cường tính minh bạch và công khai về ngân sách là một trong những nội dung quan trọng của lần cải cách này. Điều này được thể hiện ở Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 đã bổ sung các nội dung làm rõ tính minh bạch ngân sách, Điều 8 của Luật NSNN năm 2015 quy định: “NSNN được quản lý thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp”.

Trên cơ sở Luật NSNN 2015, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn việc thực hiện công khai minh bạch trong quản lý tài chính, NSNN. Có thể kể ra các văn bản như: Thông tư 343/2016/TT/BTC về hướng dẫn công khai minh bạch với các cấp ngân sách, Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC về hướng dẫn công khai minh bạch ngân sách đối với các đơn vị sử dụng NSNN.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 8299/BTC-NSNN ngày 8/7/2020 đề nghị UBND các địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2020. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là Bộ Tài chính đề nghị các địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên... Có thể thấy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách luôn gắn chặt với tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công.

PGS, TS. Vũ Sỹ Cường
PGS, TS. Vũ Sỹ Cường

Về đánh giá chung của Việt Nam với thế giới, chỉ số công khai ngân sách năm 2019 của Việt Nam xếp hạng thứ 77/117 nước và tăng 14 bậc so với năm 2017. Điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh so với các kỳ đánh giá trước, cụ thể đạt mức 38/100 điểm đối với trụ cột Công khai ngân sách, tăng 23 điểm. Tuy nhiên, kết quả Khảo sát Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương (MOBI) 2018 và 2019 cho thấy, việc công khai minh bạch ở các cơ quan trung ương mặc dù được cải thiện song vẫn còn nhiều hạn chế. Điểm số trung bình MOBI 2019 là 21,2 điểm, tăng 10,2 điểm so với MOBI 2018.

Tương tự Khảo sát Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (với tên viết tắt tiếng Anh là POBI) bắt đầu từ năm 2017 và tiếp tục được thực hiện đối với năm 2018 và 2019. POBI là công cụ giúp các tỉnh, thành phố có thể tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý NSNN và mức độ thực thi Luật NSNN năm 2015. Kết quả của năm 2019 cho thấy, chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 65,55 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi xếp hạng cao hơn với điểm trung bình xếp hạng của POBI 2018 là 51 điểm và POBI 2017 chỉ là 30,5 điểm. Điều này cho thấy mức độ tiến bộ chung của các tỉnh về công khai minh bạch ngân sách.

Có thể thấy, công khai minh bạch ngân sách ở Việt Nam dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Do đó để có thể tiếp tục tăng cường tính công khai minh bạch trong quản lý tài chính, NSNN cần tiếp tục có sự tham gia của nhiều bên. Những nỗ lực của ngành Tài chính giai đoạn vừa qua sẽ có hiệu quả cao hơn với quản lý tài chính công nếu có sự tham gia tích cực chủ động hơn của các bên liên quan. Một số vấn đề cần lưu ý gồm:

Thứ nhất, với Quốc hội, có thể cân nhắc bổ sung nội dung giám sát tình hình thực hiện công khai ngân sách của các cơ quan đơn vị, các địa phương vào chương trình hoạt động giám sát hàng năm của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, bao gồm cả giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề, mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương là một trong những tiêu chí để phân bổ ngân sách.

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định pháp lý liên quan trực tiếp đến minh bạch ngân sách, bao gồm các quy định về công khai ngân sách của cơ quan Đảng, các chương trình, dự án đầu tư cơ bản; trách nhiệm giải trình và các chế tài đối với các đơn vị không thực hiện công khai ngân sách; hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm và phương thức kiểm tra, giám sát minh bạch ngân sách, đảm bảo các cơ chế, chính sách về giám sát cộng đồng và dân chủ cơ sở được ban hành rõ ràng, đầy đủ, dễ hiểu và dễ thực hiện.

Thứ ba, tăng cường cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài chính ở các cấp quản lý ngân sách. Ngoài ra, cần quy định rõ về công tác đánh giá và trách nhiệm giải trình các số liệu công khai của các bên liên quan; đưa ra các quy định về việc kiểm tra, thanh tra, xử lý kết quả khi vi phạm đối với các đối tượng có liên quan trong việc thực hiện chế độ công khai ngân sách.

Thứ tư, tăng cường hoạt động chất vấn, thảo luận, tham vấn công chúng và hình thành cơ chế phản hồi, trao đổi, chia sẻ thông tin khi xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách. Để tăng hiệu quả quản lý tài chính công, cần thúc đẩy và tạo các cơ chế mở nhằm tăng cường các không gian công cộng, khuyến khích các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia trao đổi, thảo luận về ngân sách ở các cấp.

Thứ năm, thường xuyên giáo dục, nâng cao ý thức của cán bộ, công chức về công khai, minh bạch, liêm chính và tăng cường trách nhiệm giải trình của mỗi cấp chính quyền trong quản lý NSNN.

TBTCVN