Tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội: Chính quyền địa phương đóng vai trò “then chốt”
Tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Quảng Nam. Ảnh: BHXH VIỆT NAM

Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm đạt kết quả tích cực

Chia sẻ với phóng viên, ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý thu - sổ thẻ (bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam) cho biết, 5 tháng đầu năm, do sự suy giảm của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn dẫn tới số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao.

Đồng thời, việc tham gia BHXH tự nguyện của người dân bị ảnh hưởng, do Chính phủ điều chỉnh chuẩn nghèo nông thôn. Gần 4 triệu người dân trước đây được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không được hỗ trợ nữa, nhiều địa phương cũng không còn nằm trong danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025. Trong bối cảnh đó, việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm là rất thách thức.

Tuy vậy, với sự nỗ lực của ngành BHXH và sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, trong bối cảnh hết sức khó khăn, số người tham gia BHXH, BHYT 5 tháng đầu năm vẫn đạt kết quả tích cực.

Tính đến hết tháng 5/2023, cả nước có khoảng 17,47 triệu người tham gia BHXH, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Khoảng 90,69 triệu người tham gia BHYT (tăng 4,43 triệu người so với cùng kỳ năm 2022), đạt tỷ lệ bao phủ hơn 91% dân số. Tổng số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ước đạt 178.772 tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. 5 tháng đầu năm 2023, ngành BHXH Việt Nam giải quyết 26.014 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 547.989 người hưởng các chế độ BHXH một lần; giải quyết 3.638.974 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

BHXH Việt Nam đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết 376.023 người hưởng các chế độ BHTN. Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã thực hiện tốt công tác tác giải quyết, chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi BHYT cho 69,7 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, tương ứng số chi khám chữa bệnh BHYT là 47.466 tỷ đồng.

Chủ tịch tỉnh trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo

Theo ông Dương Văn Hào, với những kết quả trên, bản thân ngành BHXH sẽ không thể làm được nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền các địa phương. Ông cho biết, BHXH Việt Nam đã tích cực tham mưu cho cấp ủy chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển người tham gia bảo hiểm, bởi đây là một trong những nhiệm vụ đã được nêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW, không phải chỉ là trách nhiệm của ngành BHXH.

Có 57/63 tỉnh đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH theo Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ, 62/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương tại nghị quyết của tỉnh. 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong đó ban chỉ đạo đã xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo lĩnh vực phụ trách.

Nhiều địa phương hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

14/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bao gồm: Hà Nội, An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Sơn La, Vĩnh Phúc.

“Ở cấp tỉnh đã có 40 chủ tịch UBND trực tiếp làm trưởng ban, nên hiệu lực và hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, bao gồm cả các nội dung về thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, vận động rất hiệu quả” - ông Hào thông tin.

Cũng theo ông Hào, các địa phương đã tích cực hỗ trợ thêm kinh phí đóng cho người tham gia BHXH, BHYT từ nguồn ngân sách địa phương. Theo thống kê, hiện nay có 14 tỉnh có hỗ trợ thêm kinh phí đóng BHXH tự nguyện.

Có địa phương còn áp dụng mức hỗ trợ 1/1 nghĩa là ngân sách trung ương hỗ trợ bao nhiêu thì ngân sách địa phương cũng hỗ trợ tương ứng. Chẳng hạn như tại Hà Nội, mức hỗ trợ của địa phương cho người thuộc hộ nghèo là 30% mức đóng, cận nghèo là 25%, đối tượng khác là 10% nên với mức hỗ trợ thêm này, người dân chỉ phải đóng với một mức rất thấp.

Về hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo tham gia BHYT, ông Hào cho biết, theo quy định, người cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí đóng BHYT, nhưng đã có tới 57/63 địa phương hỗ trợ thêm, có những địa phương hỗ trợ thêm 30% kinh phí đóng nên người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT do được ngân sách trung ương và ngân sách địa phương hỗ trợ.

Trong việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình, ngoài mức ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, có 26 địa phương hỗ trợ thêm nhiều địa phương hỗ trợ thêm 20%, có địa phương hỗ trợ thêm 30% mức đóng…

Ngoài ra, có 28/63 tỉnh sử dụng ngân sách hỗ trợ thêm kinh phí mua thẻ BHYT cho học sinh sinh viên. 19/63 tỉnh hỗ trợ 20%,7% hoặc 100% mua thẻ BHYT cho nhóm đối tượng đặc thù như người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người nhiễm HIV, cựu quân nhân, người tu hành, thu gom rác… (một số địa phương có tỷ lệ hỗ trợ thêm cao đến 100% đối với 1 số đối tượng đặc thù như: Bắc Ninh, Cần Thơ, hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình)./.