Việc tăng giá điện sẽ gây khó khăn cho sản xuất của doanh nghiệp.

Việc tăng giá điện sẽ gây khó khăn cho sản xuất của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giá điện tăng sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, do đó, các cơ quan chức năng cần kiểm soát tốt mặt bằng giá cả, tránh tác động kép tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Hạn chế tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống

Bộ Công thương mới đây đã lên phương án tăng giá điện 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, từ 1.720,65 đồng lên 1.864,04 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Phương án tăng này dự kiến sẽ điều chỉnh ngay trong tháng 3/2019.

Theo tính toán của Bộ Công thương, phương án điều chỉnh đã được cân nhắc để đảm bảo tác động thấp nhất tới lạm phát. Cơ quan này ước tính, việc tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3 sẽ làm tăng CPI từ 0,26 đến 0,31%, làm giảm GDP từ 0,22 đến 0,25% và khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng từ 0,15 đến 0,19%.

Để giữ lạm phát năm 2018 theo mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện. Do đó, giá điện sẽ được điều chỉnh vào thời điểm thích hợp trong năm 2019. Trong phiên họp đầu tiên của năm 2019 của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đã kiến nghị công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có giá điện. Theo đó, việc điều chỉnh giá điện sẽ được thực hiện tại thời điểm phù hợp, với tỷ lệ điều chỉnh hợp lý, theo quy định và tùy thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội cụ thể, hạn chế mức thấp nhất tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, cần ban hành phương thức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp theo tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ quy định; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu Bộ Công thương phải kiểm soát và minh bạch yếu tố đầu vào, thực hiện điều chỉnh giá điện đồng bộ với điều chỉnh giá khí trong bao tiêu, giá than phục vụ cho sản xuất điện và các kịch bản về phân bổ tỷ giá trong sản xuất điện với liều lượng và thời điểm phù hợp. Tuy nhiên, ở góc độ khác, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu việc điều chỉnh giá điện vừa phải hài hòa để thu hút được các nhà đầu tư năng lượng và vừa tiết giảm chi phí cho sản xuất, tiêu dùng.

Phải đảm bảo dư địa CPI cả năm

Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá cho rằng, việc điều hành giá những tháng đầu năm cần hết sức thận trọng, đảm bảo dư địa điều hành cho CPI cả năm. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nên tách ra các đợt và điều chỉnh trùng hoặc sau các tháng của năm trước đã điều chỉnh để số liệu so với cùng kỳ không tăng cao. Do đó, nên tránh điều chỉnh tăng giá vào các tháng có nền CPI thấp trong năm 2018 vì điều chỉnh giá mạnh vào các tháng này của năm 2019 sẽ có thể làm cho CPI cùng kỳ tăng mạnh, do đó cũng kéo CPI bình quân tăng lớn.

Trả lời phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, năm ngoái, vì mục tiêu kiểm soát lạm phát nên Chính phủ quyết định hoãn tăng giá điện. Do đó, việc điều chỉnh giá trong năm nay được Chính phủ tính toán kỹ lưỡng và đã đánh giá tác động tới lạm phát. “Chính phủ phải tính toán lạm phát trong tầm kiểm soát thì mới quyết định cho điều chỉnh giá điện. Tôi cho rằng, mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% trong năm nay vẫn đạt được, vì lạm phát đến thời điểm này mới đạt 2,6%, nếu tăng thêm từ 0,26 - 0,31% như tính toán của Bộ Công thương và Tổng cục Thống kê thì vẫn trong tầm kiểm soát” - ông Nguyễn Đức Độ phân tích thêm.

Trước lo ngại về thời điểm hiện nay khi giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; dịch tả lợn đang diễn biến phức tạp tác động đến giá thịt lợn, cộng với việc điều chỉnh tăng giá điện là những yếu tố gây sức ép lên lạm phát, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, chúng ta cũng không nên quá lo lắng, bởi giá thịt lợn hiện không có đột biến và diễn biến giá cả những tháng đầu năm cơ bản ổn định theo như dự báo của cơ quan chức năng.

Tỏ ra thận trọng hơn trong nhận định của mình, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đúng là cần thiết phải tăng giá điện sau khi đã hoãn tăng giá vào cuối năm ngoái, để giúp ngành điện bù đắp chi phí, có nguồn lực tái đầu tư, đáp ứng yêu cầu sản xuất và cung ứng của ngành điện. Tuy nhiên, cũng cần phải kiểm tra, kiểm soát để công khai, minh bạch những khoản chi phí đầu vào phát sinh, chênh lệch tỷ giá…, là lý do phải điều chỉnh tăng giá của ngành điện. Ông Ngô Trí Long cho rằng, mức tăng cần phải được tính toán kỹ, tăng bao nhiêu là hợp lý và mức tăng phải phù hợp với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, cần xem xét lại biểu giá điện hiện đã hợp lý và hài hòa hay chưa. Bởi theo ông, giá điện tăng sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, do đó, các cơ quan chức năng cần kiểm soát tốt mặt bằng giá cả, tránh tác động kép tới chỉ số giá tiêu dùng.

Đợt tăng giá điện gần nhất là ngày 1/12/2017 với mức tăng 6,08%, đưa giá bán lẻ điện bình quân lên 1.720,65 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Minh Anh