Tăng hiệu quả quản lý dự trữ nhà nước  qua cải cách hành chính
Tổng cục Dự trữ Nhà nước triển khai hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Ảnh: TL

Niêm yết công khai thủ tục hành chính Thời gian qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tài chính về công tác kiểm soát thủ tục hành chính… Nhờ đó, công tác giải quyết thủ tục hành chính tại Tổng cục DTNN ngày càng phục vụ tốt hơn các yêu cầu của cá nhân, tổ chức.

Tổng cục DTNN kiểm soát chặt chẽ các quy định về thủ tục hành chính mới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN chú trọng giám sát và thực hiện các thủ tục hành chính theo đúng các thủ tục đã được phê duyệt tại Quyết định số 1014/QĐ-BTC ngày 11/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tổng cục DTNN đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai thủ tục hành chính mua, bán, nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia (DTQG) tại trụ sở Tổng cục, cục DTNN khu vực theo quy định.

Đồng thời, cung cấp đầy đủ thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục DTNN, Trang thông tin điện tử Bộ Tài chính về quy trình, thủ tục, hồ sơ đấu thầu mua, bán hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

TIẾP TỤC CẢI TIẾN QUY TRÌNH LÀM VIỆC

Theo Tổng cục Dự trữ nhà nước, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ dự trữ quốc gia, thời gian tới, Tổng cục tiếp tục tăng cường cải tiến quy trình làm việc, quy trình phối hợp,

chuẩn hóa nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ thông tin theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Hoạt động cải cách thủ tục hành chính đã được Tổng cục DTNN đẩy mạnh theo hướng công khai, minh bạch, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008. Bên cạnh đó, tổng cục đã phân cấp trách nhiệm, quyền hạn và phạm vi giải quyết công việc cho các đơn vị cơ sở, qua đó, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Để công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại Tổng cục DTNN đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng được mục tiêu, kế hoạch đề ra, thời gian tới, Tổng cục DTNN tiếp tục triển khai các nội dung về kiểm soát thủ tục hành chính theo kế hoạch. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của Chính phủ, của Bộ Tài chính về công tác kiểm soát thủ tục hành chính để cán bộ, công chức tuân thủ, thực hiện.

Đồng thời, thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng, thẩm định trước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG. Tiếp tục rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính đã ban hành để kịp thời kiến nghị điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

Ứng dụng công nghệ vào các hoạt động Bên cạnh công tác cải cách hành chính, Tổng cục DTNN đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động DTQG. Theo đó, Tổng cục DTNN đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hợp nhất từ cấp tổng cục đến các cục DTNN khu vực theo định hướng chuyển đổi số của Bộ Tài chính, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động DTQG.

Tăng hiệu quả quản lý dự trữ nhà nước  qua cải cách hành chính
Kiểm tra gạo dự trữ. Ảnh minh họa

Về xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, Tổng cục DTNN tập trung triển khai thực hiện các dự án: Phần mềm quản lý nghiệp vụ DTQG; nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tổng cục; đẩy mạnh áp dụng phương thức báo cáo điện tử... Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN triển khai vận hành các phần mềm quản lý vật tư hàng hóa, kho tàng, quản lý cán bộ, thi đua - khen thưởng, kế toán nội bộ. Việc triển khai áp dụng phần mềm này đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí, thời gian.

Tổng cục DTNN đã xây dựng kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm, phù hợp với Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số; xây dựng Chiến lược DTQG đến năm 2030, định hướng đến 2040; tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống văn bản nội ngành hướng dẫn về ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử để triển khai đồng bộ, hiệu quả trong toàn hệ thống. Ngành DTNN tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định về ứng dụng CNTT trên cơ sở các chính sách, cơ chế về CNTT chung của Nhà nước và của Bộ Tài chính.

Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai các ứng dụng, hệ thống thông tin chuyên ngành như: tổ chức triển khai thực hiện hệ thống quản lý văn bản điều hành từ trung ương tới địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành quản lý DTNN. Phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối internet tốc độ cao; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu. Triển khai thực hiện dự án xây dựng trung tâm dữ liệu theo định hướng áp dụng công nghệ 4.0 phục vụ triển khai các ứng dụng và phần mềm ứng dụng tập trung.

Cùng với đó, tăng cường công tác cải tiến quy trình làm việc, quy trình phối hợp, chuẩn hóa nghiệp vụ trong công tác ứng dụng CNTT theo các lộ trình rõ ràng cùng với việc quy hoạch lại toàn bộ hệ thống.

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ tin học, công chức DTNN có cơ cấu phù hợp, đủ về số lượng và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ các đơn vị trong toàn hệ thống.