Bước tiến lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (NĐ 65), doanh nghiệp (DN) phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ cần công bố thông tin theo chuẩn mực và thích hợp với đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư (NĐT) một cách kịp thời, trong suốt thời hạn của trái phiếu. Theo ông Simon Chen, yêu cầu này sẽ giải quyết tình trạng thông tin thiếu rõ ràng trên thị trường phát hành TPDN riêng lẻ. Đặc biệt, NĐ 65 quy định DN phát hành phải đánh giá tính khả thi của các kế hoạch tài chính khi phát hành trái phiếu; chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và chính xác của các thông tin liên quan đến việc phát hành cho NĐT; việc sử dụng tiền thu được từ trái phiếu và việc hoàn trả các khoản tiền đã vay.

NĐ 65 cũng củng cố vai trò và trách nhiệm của các công ty cung cấp dịch vụ trung gian trong phát hành trái phiếu, nghĩa vụ pháp lý và các hình thức xử lý vi phạm. Ngoài ra, nghị định này cũng tăng cường khung giám sát cho các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý các tổ chức và công ty cung cấp dịch vụ trung gian.

Tổng giám đốc Visrating nhận định: “NĐ 65 là bước tiến lớn và quan trọng nhằm tăng cường trách nhiệm giữa các bên liên quan trong việc chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ; nâng cao tính minh bạch thông tin và chất lượng trái phiếu; đồng thời khôi phục niềm tin vào thị trường TPDN riêng lẻ đang phát triển nhanh chóng và là kênh huy động vốn tin cậy cho các DN".

Nguồn: HNX, VIS Rating Biểu đồ: Visrating
Nguồn: HNX, VIS Rating Biểu đồ: Visrating

Ngoài việc được cung cấp nhiều thông tin hơn, với NĐ 65, NĐT sẽ được hưởng lợi khi minh bạch hơn về các quyền hợp pháp và nắm rõ hơn rủi ro đầu tư. Theo đó, quy định mới giúp tăng cường các biện pháp bảo vệ pháp lý cho trái chủ và phát triển thể chế thị trường trái phiếu, giúp NĐT tiềm năng có thể đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn.

Ông Simon Chen phân tích, với NĐ 65, người sở hữu trái phiếu có quyền yêu cầu DN phát hành mua lại trái phiếu nếu DN phát hành vi phạm quy định, hoặc không thực hiện đầy đủ cam kết theo kế hoạch phát hành. Người sở hữu trái phiếu sẽ được tiếp cận với nhiều thông tin hơn để đánh giá và giám sát rủi ro đầu tư, bao gồm các quyền lợi hợp pháp đối với tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, trái chủ (người mua trái phiếu) cũng có thể tham khảo các tài liệu hồ sơ chào bán trái phiếu từ DN phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian - bao gồm đại diện người sở hữu trái phiếu, tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu, đại lý quản lý tài sản bảo đảm… để đảm bảo DN phát hành trái phiếu tuân thủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật.

“Các NĐT trái phiếu cá nhân chuyên nghiệp cần tự xác nhận đủ điều kiện đầu tư và hiểu rõ thông tin về trái phiếu và rủi ro đầu tư. Đây là một biện pháp bảo vệ quan trọng giúp NĐT nâng cao nhận thức và tận dụng tất cả thông tin trước khi quyết định đầu tư. Đối với trái phiếu yêu cầu xếp hạng tín nhiệm, NĐT có thể sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro tương ứng, có phù hợp với khả năng chấp nhận rủi ro và lợi tức có tương xứng với rủi ro hay không” - Tổng giám đốc Visrating cho hay.

Thị trường cần thời gian để điều chỉnh theo quy định mới

Đánh giá về thị trường TPDN thời gian tới, ông Simon Chen cho rằng, thị trường cần điều chỉnh theo quy định mới và các điều kiện tài chính thắt chặt hơn sẽ trì hoãn trái phiếu phát hành phục hồi rõ nét sang nửa cuối năm 2023. Thị trường phát hành trái phiếu ra công chúng vẫn ổn định và có thể đóng vai trò kết nối DN phát hành với đông đảo NĐT hơn.

Trong 9 tháng năm 2022, TPDN riêng lẻ phát hành mới giảm mạnh. Lý giải về điều này, ông Simon Chen cho rằng, một phần do thị trường cầm chừng trước khi NĐ 65 ban hành và tâm lý e ngại rủi ro xuất phát từ các vụ việc hình sự và pháp lý liên quan đến các DN phát hành và các công ty cung cấp dịch vụ. Điểm quan ngại chính hiện nay đối với các DN cần nguồn vốn mới, hoặc tái cấu trúc nợ là tình hình thanh khoản trên thị trường trái phiếu sơ cấp.

Cầu trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng sẽ tăng lên

Theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nhà đầu tư cá nhân là một trong số các nhóm nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu, nắm giữ 31% tổng lượng trái phiếu phân phối trên thị trường thứ cấp trong 9 tháng đầu năm 2022, đứng thứ hai chỉ sau các tổ chức tín dụng (44%). Do tích lũy cá nhân tăng lên theo mức thu nhập, nhu cầu trái phiếu phát hành ra công chúng của nhà đầu tư cá nhân sẽ tăng lên theo thời gian.

“Trong bối cảnh lãi suất và chi phí tài chính tăng có thể sẽ cản trở kế hoạch phát hành trái phiếu, DN phát hành và các công ty cung cấp dịch vụ sẽ cần điều chỉnh khi chi phí quản lý, tuân thủ tăng thêm và lộ trình phát hành trái phiếu riêng lẻ kéo dài hơn. Dự kiến, sớm nhất từ nửa cuối năm 2023, trái phiếu phát hành mới có thể phục hồi rõ nét” - Tổng giám đốc Visrating phân tích thêm.

Cùng với đó, NĐ 65 thu hẹp cách biệt về hồ sơ yêu cầu giữa phát hành trái phiếu ra công chúng và riêng lẻ. NĐ 65 cũng hướng NĐT cá nhân tham gia thị trường trái phiếu công chúng có khuôn khổ phát hành và giám sát phát triển hơn, theo đó sẽ bảo vệ tốt hơn NĐT. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm DN phát hành chuyển sang huy động vốn trên thị trường trái phiếu công chúng để tiếp cận các NĐT cá nhân có nhu cầu lớn đối với trái phiếu có lợi suất cao” - ông Simon Chen cho hay.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

Trách nhiệm của các bên sẽ quyết định chất lượng của trái phiếu doanh nghiệp

Chúng ta phải khẳng định rằng, việc phát triển thị trường TPDN lành mạnh, ổn định, hiệu quả, minh bạch và bền vững là rất cần thiết, góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng ngân hàng. Đây là mục tiêu đã được Chính phủ đề ra và các cơ quan quản lý, đơn vị, tổ chức liên quan quyết tâm triển khai thực hiện.

Tăng trách nhiệm trong phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Dù đã có sự tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, nhưng thị trường TPDN Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Trong quá trình đó, thị trường sẽ trải qua giai đoạn phát triển từ thấp đến cao, khởi nguồn từ “lượng” và chuyển dần sang tăng về “chất”. Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường TPDN riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường. Vì vậy, cần có giải pháp điều chỉnh, hướng thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Ở bất kỳ một thị trường nào, bên cạnh sự quản lý của Nhà nước thông qua khung khổ pháp lý, giám sát, kiểm tra, xử lý sai phạm nghiêm minh thì quan trọng hơn hết vẫn là nhận thức, trách nhiệm và tính tuân thủ của các đối tượng tham gia thị trường. Để khuyến khích kênh TPDN riêng lẻ, các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán về phát hành TPDN riêng lẻ là tương đối thông thoáng hướng tới thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, chất lượng phát triển của thị trường TPDN sẽ phụ thuộc rất lớn vào hành vi của các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt là tổ chức phát hành, đến các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian (công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, ngân hàng thương mại,…) và nhà đầu tư tham gia trên thị trường.

* Bà Thái Thị Việt Trinh - Chuyên gia phân tích của SSI Research:

Quy định mới sẽ giúp thị trường loại bỏ những nhân tố không tốt

NĐ 65 có nhiều quy định mới, nhưng có thể chia thành 4 nhóm quy định chính. Theo đó, đối với các DN phát hành, NĐ 65 đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ phát hành cũng như các yêu cầu về công bố thông tin của các DN. Đối với NĐ, nghị định có các điều khoản nhằm siết chặt hơn việc giao dịch của các NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, kể cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Tăng trách nhiệm trong phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp
Bà Thái Thị Việt Trinh

Cùng với đó, đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian, NĐ 65 đã quy định một cách rõ ràng hơn về trách nhiệm của tất cả các đối tượng tham gia thị trường TPDN. Ngoài ra, đối với việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, nghị định mới đã yêu cầu tất cả những trái phiếu phát hành riêng lẻ sẽ phải được lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đưa ra một lộ trình cụ thể cho việc giao dịch trên thị trường thứ cấp các trái phiếu này ở trên sở giao dịch chứng khoán.

Chúng tôi cho rằng, khung pháp lý mới đưa ra sẽ giúp thị trường TPDN phát triển theo hướng minh bạch và bền vững hơn, khi các yêu cầu về công bố thông tin chặt chẽ hơn và giúp thị trường lọc bỏ những nhân tố không tốt. Tuy nhiên, điều này sẽ cần thời gian để các DN phát hành trái phiếu với mục đích nghiêm túc có thể chứng minh cho nhà đầu tư thấy sự hấp dẫn trở lại của kênh đầu tư TPDN.

Thông thường, các DN và tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian sẽ cần khoảng 1 - 2 quý để có thể điều chỉnh kế hoạch và hồ sơ phát hành của mình, nhằm phù hợp với các quy định luật pháp. Do vậy, diễn biến thị trường TPDN trong giai đoạn còn lại của năm 2022 được cho là sẽ khá im ắng.

Ngoài ra, lãi suất huy động có xu hướng tăng cũng khiến các DN cần phải xem xét kĩ hơn kế hoạch phát hành của mình, nhằm hạn chế tối đa gánh nặng lên chi phí tài chính. Các nhà đầu tư cũng cần thời gian để lấy lại niềm tin vào kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.