Những hi sinh thầm lặng

Ngành Hải quan mang trên mình trọng trách “gác cửa” nền kinh tế. Cũng bởi vì thế mà lực lượng này thường xuyên tiếp xúc với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện, người xuất nhập cảnh từ nước ngoài. Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, thâm nhập qua biên giới vào trong nước, những lực lượng đóng tại biên giới, trong đó có hải quan luôn có nguy cơ lây nhiễm cao. Lúc này, điều khó khăn đặt ra phải khắc phục là đảm bảo thông quan hàng hóa nhanh chóng, không để chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy trong điều kiện phòng, chống dịch nghiêm ngặt.

Thầm lặng “gác cửa” nền kinh tế giữa đại dịch

Để làm được, trước tiên là phải an toàn. Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, toàn ngành Hải quan đã quán triệt chủ trương cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được các đơn vị trong toàn ngành xác định là đảm bảo an toàn cho cán bộ, đảm bảo đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ thông quan và hỗ trợ trong công tác thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) cũng như nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Tuy vậy, không thể tránh khỏi, có đơn vị có cán bộ bị nhiễm Covid-19 dẫn đến phải cách ly và cũng có cán bộ đã không thể trở về.

Ở “tâm dịch” phía Nam, ba đơn vị Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai gặp vô vàn khó khăn khi giãn cách xã hội. Phương án “3 tại chỗ” với mô hình “Chi cục xanh” được triển khai ngay từ đầu tháng 7 tại một số chi cục hải quan có nguy cơ cao và khu công nghiệp, khu chế xuất có nhiều doanh nghiệp có F0.

Có cán bộ hải quan đã không thể “trở về”

Tính đến cuối năm 2021, số lượng cán bộ, công chức người lao động công tác trong ngành Hải quan mắc Covid-19 là 394 người, trong số đó đã có 1 người tử vong. Những hy sinh thầm lặng đó của lực lượng hải quan đã giúp “dòng chảy” thương mại luôn lưu thông dù bệnh dịch diễn biến phức tạp.

Chị Nguyễn Thị Thu Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Sóng Thần, Cục Hải quan Bình Dương) cho biết, ngay khi TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị thực hiện Chỉ thị 16 và văn bản của Bộ Y tế về việc cách ly 7 ngày đối với người di chuyển từ vùng có dịch sang tỉnh thành khác trong thời điểm giãn cách, chị đã cùng các đồng nghiệp ngoài tỉnh Bình Dương thu xếp việc gia đình ở TP. Hồ Chí Minh để ở tại trụ sở phục vụ công tác nhiều tháng liền. Lúc này, số cán bộ “cắm chốt” tại Sóng Thần hầu hết là cán bộ nữ, có con nhỏ, có cán bộ chồng đi làm xa, bố mẹ già. Song, vì ưu tiên nhiệm vụ chính trị, các chị đành thu xếp việc gia đình.

“Những mặt hàng như thuốc, thiết bị y tế, vắc-xin,… thường phải có giấy phép theo quy định nhưng hải quan chúng tôi cũng có những giải pháp thực hiện khẩn cấp, căn cứ cam kết của các đơn vị nhập khẩu để giải quyết cho phép đưa hàng về bảo quản trong thời gian chờ xin giấy phép. Có nhiều lô hàng vắc-xin về, anh em hải quan trực đến nửa đêm là chuyện bình thường, nhất là các lô vắc-xin viện trợ do các đoàn ngoại giao Chính phủ đưa về” – một cán bộ của Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chia sẻ.

Ông Nguyễn Bắc Hải – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, không chỉ trong Nam mà một số địa phương phía Bắc, có nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang,… cũng phải áp dụng “3 tại chỗ”. Ông Nguyễn Bắc Hải vốn là Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh – một điểm “nóng” khi dịch lan rộng trong các khu công nghiệp hồi giữa năm, mới được điều động về Tổng cục Hải quan tháng 9/2021. Ông kể, thời điểm đó, anh em nhà ở ngay Hà Nội nhưng 3 - 4 tháng không được về nhà, phải “tại chỗ” để đảm bảo phòng, chống dịch.

Giữ “dòng chảy” thương mại luôn lưu thông

Dịch Covid-19 đã diễn ra 2 năm. Trong 2 năm đó, cơ quan hải quan vừa nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị lâu dài của mình nhưng cũng không quên chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp (DN) trong đại dịch đúng như Thủ tướng Chính phủ nhiều lần quán triệt tại các cuộc đối thoại với DN, đó là “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”.

Theo ông Mai Xuân Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ngành Hải quan đã chủ động thực hiện các giải pháp để hỗ trợ DN bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong đó, có các kết quả tích cực trong tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Một số chứng từ, trước đây DN phải nộp bản giấy đến nay cũng được nộp bằng phương thức điện tử với chữ ký số; tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Là cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã tham mưu đẩy mạnh thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và đang chủ trì xây dựng nghị định “Quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Việc đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành theo nghị định mới được kỳ vọng sẽ giúp DN giảm chi phí, giảm đầu mối tiếp xúc giữa DN với các cơ quan, tổ chức. Theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, khi nghị định được triển khai thi hành, ước tính có thể tiết kiệm 1.376 tỷ đồng cho DN và 9.285 tỷ đồng cho nền kinh tế mỗi năm.

Ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực hải quan. Thủ tục hải quan đã tiếp tục được đơn giản hóa, cắt giảm để tiết kiệm chi phí, thời gian thông quan cho DN.

Tổng cục Hải quan cũng đã cùng với các hải quan địa phương thành lập các Tổ xử lý vướng mắc cho DN ngay trong ngày. Bên cạnh việc trực và giải quyết nhanh tất cả các lô hàng vật tư y tế, thiết bị, vắc-xin, sinh phẩm… phục vụ phòng, chống dịch, các mặt hàng xuất khẩu qua biên giới cũng được chú trọng đẩy nhanh tốc độ thông quan. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin càng được đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho DN thực hiện thủ tục hải quan.

Liên quan đến quyền lợi của DN trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp như miễn, giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng; miễn thuế cho các lô hàng tài trợ cho phòng, chống dịch,… Đồng thời, toàn lực lượng cũng triển khai các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng để gian lận hoặc thực hiện các hoạt động pháp luật không cho phép.

Những nỗ lực của lực lượng hải quan cùng với cố gắng vượt khó của cộng đồng DN xuất nhập khẩu đã góp phần xây nên kỳ tích mới của kinh tế Việt Nam. Đầu tháng 12, kim ngạch xuất nhập khẩu đã cán mốc kỷ lục mới 600 tỷ USD; tạo cơ sở quan trọng để ngành Hải quan nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, đảm bảo cân đối thu chi trong bối cảnh dịch bệnh.

Tổng thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan tăng 19,2%

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 ước đạt 370.000 tỷ đồng, bằng 117,46% dự toán thu NSNN (315.000 tỷ đồng), bằng 110,45% chỉ tiêu phấn đấu (335.000 tỷ đồng), tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020. Đây là kết quả rất lớn bởi năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.