Thứ trưởng Võ Thành Hưng: Chính sách tài khóa toàn diện, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế Khai mạc trọng thể Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 Chuyên gia hiến kế xây dựng nền tài chính quốc gia bền vững Chính sách thuế đã “phản ứng nhanh” trước yêu cầu thực tiễn

Thứ trưởng cho biết, trên cơ sở các ý kiến tham luận tại Diễn đàn, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng và điều hành chính sách tài khóa đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác, góp phần hỗ trợ ổn định vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, ứng phó hiệu quả với các khó khăn phát sinh.

Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, sau một ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 với chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới” đã hoàn thành chương trình với hai phiên thảo luận sôi nổi, 10 bài tham luận chính và khoảng 20 ý kiến trao đổi, bình luận thêm.

Tham luận tại Diễn đàn giúp Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa bền vững
Thứ trưởng Võ Thành Hưng phát biểu bế mạc Diễn đàn. Ảnh: Hữu Thọ.

Tại Diễn đàn, các diễn giả đã nhìn nhận những vấn đề từ góc độ chính sách vĩ mô, chiến lược đến góc độ vi mô, quản lý tài chính, doanh nghiệp, qua đó thấy được bối cảnh bên trong và bên ngoài. Thời gian qua, có những thay đổi nhanh chóng, trong đó có nhiều yếu tố như có diễn giả nói là “bất bình thường”, tác động sâu sắc, toàn diện đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, ảnh hưởng đến cân đối tài chính - NSNN.

“Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa đã được điều chỉnh linh hoạt cả về thu, chi NSNN nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức, giúp nền kinh tế vượt qua tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, từng bước phục hồi và phát triển, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, chính sách tài khóa đã góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển sản xuất - kinh doanh. Riêng việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn có thời hạn thuế, phí, lệ phí và một số khoản thu ngân sách trong năm 2022 đã lên tới hơn 2% GDP” - Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh.

Nhờ sự can thiệp kịp thời của các chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tài khóa, sự chỉ đạo, quán triệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được duy trì và củng cố, tăng trưởng phục hồi nhanh, là một điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực.

Tham luận tại Diễn đàn giúp Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa bền vững
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Hữu Thọ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, các diễn giả cũng đã chỉ ra rằng, khó khăn, thách thức trong thời gian tới là rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải nhận diện, đánh giá đúng, từ các vấn đề căng thẳng địa chính trị và xung đột trên thế giới, vấn đề căng thẳng thương mại, căng thẳng trên thị trường năng lượng, nhiên liệu, lương thực, đến các vấn đề trên thị trường tài chính, tỷ giá, lãi suất, đảo chiều của dòng vốn, suy giảm tăng trưởng kinh tế và các vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Với một nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam, bất kỳ biến động, thay đổi về môi trường bên ngoài đều có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, bản thân nền kinh tế cũng phải đối mặt với những vấn đề tồn tại như tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, hạ tầng còn yếu, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, thu NSNN còn chưa bền vững, giải ngân vốn đầu tư chậm trễ và gần đây có những biến động tiêu cực trên thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng thương mại làm ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Từ đó, Diễn đàn đã chỉ ra những gọi ý chính sách, từ việc nghiên cứu cơ cấu lại các khoản thu, xây dựng cơ sở thuế mới, mở rộng cơ sở thu, trao thêm thẩm quyền cho chính quyền địa phương trong việc thu một số khoản thuế.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, về chi NSNN, cần cơ cấu lại chi đầu tư - chi thường xuyên, hướng tới thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, tiếp tục rà soát dư địa chính sách tài khóa để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong trường hợp nền kinh tế gặp khó khăn hơn dự kiến. Bên cạnh đó, trong quá trình điều hành, cần chú ý tới yêu cầu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các ảnh hưởng đến cân đối NSNN, an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Qua Diễn đàn, chúng ta cũng đồng thuận cần phải khẩn trương rà soát để sớm xử lý các vấn đề, cả về thế chế và tổ chức thực hiện, về giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư vào các dự án PPP, giải quyết các vấn đề thị trường ngân hàng, thị trường trái phiếu chính phủ, khôi phục niềm tin của các nhà đầy tư và từ đó tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp”.

Ý kiến đại biểu tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Võ Thành Hưng khẳng định, các ý kiến rất tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn. Nhiều gợi ý, đề xuất giải pháp chính sách đưa ra có tính khả thi. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, nghiên cứu kỹ những gợi ý, đề xuất nêu tại Diễn đàn để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng và điều hành chính sách tài khóa đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác, góp phần hỗ trợ ổn định vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, ứng phó hiệu quả với các khó khăn phát sinh.