Hòa Phát đặt mục tiêu lãi sau thuế 15.000 tỷ đồng năm 2025, chia cổ tức tỷ lệ 20% Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu dự kiến 170.000 tỷ đồng trong năm 2025 |
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (mã Ck: HPG) mới đây đã công bố điều chỉnh phương án chi trả cổ tức năm 2024, đồng thời giữ nguyên kế hoạch cổ tức dự kiến cho năm 2025.
Theo tài liệu trình cổ đông được công bố vào cuối tháng 3, ban đầu Hội đồng quản trị HPG dự kiến chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 20%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Nguồn chi trả được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, và với gần 6,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, HPG sẽ chi khoảng 3.200 tỷ đồng cho phần cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời phát hành thêm gần 960 triệu cổ phiếu mới. Dự kiến, kế hoạch này sẽ được triển khai trong vòng 6 tháng kể từ khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
![]() |
Thận trọng trước sóng thuế quan Mỹ, Hoà Phát thay đổi chính sách cổ tức 2024. Nguồn: HPG. |
Tuy nhiên, trong tài liệu cập nhật mới nhất, HPG bất ngờ điều chỉnh phương án, chuyển toàn bộ hình thức chi trả cổ tức năm 2024 sang bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Nếu kế hoạch được cổ đông thông qua, tập đoàn sẽ phát hành thêm gần 1,3 tỷ cổ phiếu.
Lý giải cho sự thay đổi này, HPG cho biết việc điều chỉnh là dựa trên những biến động của chính sách thuế nhập khẩu đối ứng do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng, đồng thời thể hiện sự thận trọng nhằm duy trì dòng tiền và đảm bảo nguồn vốn vận hành ổn định trong bối cảnh nhiều bất định.
Bên cạnh đó, HPG vẫn giữ nguyên kế hoạch cổ tức năm 2025 ở mức 20%. Trong tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm nay, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đặt mục tiêu doanh thu đạt 170.000 tỷ đồng - tăng 21% so với kết quả 2024, đồng thời kỳ vọng lợi nhuận sau thuế đạt 15.000 tỷ đồng, tăng trưởng 25%. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mốc doanh thu cao kỷ lục của HPG kể từ khi thành lập đến nay.
Thực tế, ngành thép Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là chính sách thuế chống lẩn tránh thương mại từ Mỹ. Gần đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố quyết định áp thuế sơ bộ đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam, với mức dao động từ 40% đến hơn 88%.
Trong nhóm doanh nghiệp bị điều tra, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) phải chịu mức thuế cao nhất là 59%, trong khi sản phẩm tôn mạ của Hòa Phát và Thép Nam Kim (NKG) cùng bị áp mức thuế 49,42%. Một số doanh nghiệp khác như Tôn Đông Á (GDA) được hưởng mức thuế thấp nhất là 39,84%. Các doanh nghiệp còn lại, bao gồm Tôn Pomina, Thép TVP, Thép Tây Nam, Tôn Phương Nam và cả những liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài như China Steel & Nippon Steel Việt Nam, Maruichi Sun Steel, Sam Hwan Vina và Tôn Thép Việt Pháp, đều chịu mức thuế tương tự 49,42%.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam không được nêu tên cụ thể trong quyết định sơ bộ của DOC sẽ phải đối mặt với mức thuế suất cao nhất - lên đến 88,12%. Điều này không chỉ gây sức ép trực tiếp lên biên lợi nhuận xuất khẩu mà còn có thể ảnh hưởng đến chiến lược thị trường quốc tế của toàn ngành trong thời gian tới.