Thị trường chứng khoán: Các yếu tố nền tảng vẫn tốt, nhà đầu tư cần tỉnh táo với tin giả, tin đồn Thị trường chứng khoán đi ngang, cơ hội vẫn còn ở nhiều nhóm ngành

Đây là đánh giá về một số yếu tố trên thị trường chứng khoán được ông Chu Tuấn Linh - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) chia sẻ khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

*PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trong diễn biến đi ngang khi tâm lý của nhà đầu tư đang có vẻ rất thận trọng bởi nhiều thông tin sự vụ và tin đồn. Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường trong giai đoạn này?

Ông Chu Tuấn Linh: Trong quý I/2022, các chỉ số chứng khoán thế giới đều diễn biến kém khả quan trước căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine, khiến giá cả hàng hóa leo thang và nỗi lo lạm phát bao trùm toàn cầu. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã chính thức tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất USD trong tháng 3/2022.

Nằm trong “quỹ đạo” chung của thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam trong 3 tháng đầu năm dao động trong biên độ hẹp. Chỉ số VN-Index giảm 0,41% so với thời điểm cuối năm 2021. Tính chung quý I/2022, trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt hơn 801,18 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 25.908 tỷ đồng/phiên, tăng lần lượt 23% về khối lượng và 67% về giá trị bình quân so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán trong nước cũng chịu tác động về mặt tâm lý trước các thông tin sự vụ và tin đồn, khiến nhà đầu tư thận trọng.

Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam và tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2022 dự báo vẫn tích cực, sẽ là “bệ đỡ” cho thị trường chứng khoán trong dài hạn.

Thanh lọc sai phạm là điều tích cực cho thị trường chứng khoán trong trung, dài hạn
Ông Chu Tuấn Linh - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS).

*PV: Có ý kiến cho rằng, nhà đầu tư dường như đang phản ứng hơi ngược trước những động thái mạnh mẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, bền vững hơn từ các cơ quan quản lý. Quan điểm của ông thì thế nào?

Ông Chu Tuấn Linh: Hiện nay, cá nhân trong nước chiếm 88% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong khi nhà đầu tư tổ chức trong nước và khối ngoại chỉ chiếm lần lượt 5,4% và 6,5% tổng giá trị giao dịch. Trong số nhà đầu tư cá nhân, có rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0) còn hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư, vì thế tâm lý còn chưa vững vàng và theo tâm lý đám đông.

Mới đây, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra một số vụ án hình sự liên quan đến vi phạm trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản (xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh...). Những sự vụ này đã phần nào tác động tới tâm lý nhà đầu tư và khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng, thậm chí có phần thái quá.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, những sự vụ như vậy sẽ không tác động lâu dài tới thị trường và việc cơ quan chức năng mạnh tay thanh lọc các hành vi không lành mạnh, sai phạm trên các thị trường: chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp,… cần được nhìn nhận là điều tích cực, giúp thị trường minh bạch hơn, góp phần giúp dòng vốn trong và ngoài nước sớm quay trở lại thị trường mạnh mẽ hơn.

*PV: Bên cạnh những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và các cơ quan quản lý, thì thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ từ những yếu tố nào, thưa ông?

Ông Chu Tuấn Linh: Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đươc hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực trong trung và dài hạn. Trong Báo cáo cập nhật tháng 4/2022 do ABS phát hành, chúng tôi cũng đã đề cập rất rõ những yếu tố thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới.

Trong quý I/2022, kinh tế có dấu hiệu khởi sắc khi GDP tăng trưởng 5,03% bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 là 6,5%. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023, nhờ tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và dòng vốn FDI.

Chúng tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn kể từ quý II/2022 khi các chuyến bay quốc tế được khôi phục và các hạn chế Covid-19 được gỡ bỏ, các hoạt động kinh tế đang trở lại bình thường khi mức độ bao phủ vắc-xin cao. Mặt bằng lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm nay khi Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân phục hồi kinh tế sau đại dịch. Cùng với đó, Chính phủ bắt đầu đẩy mạnh triển khai các gói đầu tư công từ tháng 4/2022, vì thế tăng trưởng kinh tế cũng sẽ được hỗ trợ tốt hơn.

Về yếu tố nội tại, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường vẫn khả quan. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng 95% số công ty niêm yết báo cáo có lãi trong năm 2021. Đây là con số khá khả quan và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Bên cạnh đó, thanh khoản trên thị trường vẫn là điểm sáng khi nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 12.421 tỷ đồng trên sàn HOSE trong quý đầu tiên của năm 2022, lũy kế các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng trong cả 5 quý kể từ đầu năm 2021 đến nay với tổng giá trị gần 102.000 tỷ đồng.

Thị trường cũng đang đặt kỳ vọng hệ thống công nghệ thông tin mới sẽ sớm đưa vào vận hành trong năm nay và từ đó sẽ hỗ trợ rút ngắn kỳ vọng sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn so với nhiều thị trường trong khu vực. Theo Reuters, tỷ lệ P/E dự báo 12 tháng của VN-Index vào đầu tháng 3/2022 đạt khoảng 13,3 lần, thấp hơn mức từ 16 - 17 lần tại các thị trường khu vực ASEAN.

*PV: Trong bối cảnh thị trường rất dễ bị tác động từ những thông tin bên ngoài hoặc mang tính sự vụ, ông có khuyến nghị gì cho nhà đầu tư?

Ông Chu Tuấn Linh: Như đã chia sẻ ở trên, các nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố vĩ mô, cũng như nội tại doanh nghiệp để tránh bị tác động về mặt tâm lý, dẫn tới những sai lầm trong đầu tư. Các nhà đầu tư cũng cần tránh chạy theo trào lưu đầu cơ tiềm ẩn rủi ro cao.

Để tránh bị dẫn dắt bởi các thông tin sai lệch từ đó đưa ra các quyết định sai lầm trong đầu tư, nhà đầu tư cần theo dõi thông tin tại các nguồn thông tin chính thống có uy tín và có sự kiểm nghiệm chéo qua nhiều kênh.

*PV: Xin cảm ơn ông!