Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh Hữu Thông
Đó là khẳng định của ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tại hội nghị đối thoại giữa chính quyền với các doanh nghiệp Đài Loan vừa diễn ra vào sáng ngày 30/5. Hội nghị do Cục Hải quan Đồng Nai tổ chức.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp (DN) đã đặt ra nhiều câu hỏi, thắc mắc về các thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa, chính sách thuế ưu đãi, giao thông, bảo hiểm xã hội, giấy phép lao động cho người nước ngoài, thuế thu nhập cá nhân… Trong đó, có DN đặt vấn đề về việc mỗi năm phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn đồng hành cùng DN và sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của DN để ngày càng hoàn thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của DN trên địa bàn tỉnh.
Vấn đề thanh tra, kiểm tra DN, ông Vĩnh cho biết, tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã chỉ đạo tất cả các sở ngành phải lập kế hoạch về thanh tra, kiểm tra DN theo kế hoạch hàng năm, sau đó sẽ tổng hợp lại, những trường hợp nào không cần thiết sẽ không thanh, kiểm tra.
Việc thanh tra hay kiểm tra là nhằm tìm ra những vấn đề mà DN còn đang vướng mắc, khó khăn hoặc chính sách còn bất cập để phản hồi, chứ không phải thanh, kiểm tra để tìm lỗi của DN. Tỉnh cũng đã đặt vấn đề với các đoàn thanh tra, cái lớn nhất là tìm hiểu xem DN đang có khó khăn, vướng mắc gì, phải hỗ trợ ra sao để DN hoạt động được tốt, đồng thời không được gây khó dễ cho DN...
“Các sở ngành cần đánh giá DN một cách khách quan, DN nào hoạt động tốt và thực hiện chính sách đúng quy định của pháp luật thì chắc chắn sẽ không có chuyện thanh tra, kiểm tra. Còn những DN đã từng có những sự vi phạm về pháp luật hoặc có sự gian dối sẽ phải có hoạt động thanh, kiểm tra xem DN đó có khắc phục hay không”, ông Vĩnh nhấn mạnh.
Theo ông Vĩnh, trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật, cơ quan nhà nước tại Đồng Nai rất mong nhận được các ý kiến đóng góp từ DN. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đóng góp ý kiến của DN chưa nhiều, dẫn tới văn bản ban hành có nhiều vướng mắc.
Do đó, DN cần tích cực hơn trong việc đóng góp ý kiến cho các cơ quan, ban, ngành để việc ban hành chính sách được sát với thực tế, tránh tình trạng phát sinh vướng mắc, phải sửa đổi nhiều lần. DN cũng không cần phải chờ đến các cuộc đối thoại mà có thể gửi ý kiến đóng góp bất cứ lúc nào thông qua các hiệp hội.
“Tất cả kiến nghị của DN sẽ được xem xét và giải quyết một cách nghiêm túc. Đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền, tỉnh sẽ hỗ trợ chuyển các kiến nghị đến các bộ, ngành và Chính phủ”, ông Vĩnh cam kết tại hội nghị./.
Hữu Thông