Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các ngành gỗ và thủy sản, chiều ngày 22/5, Bộ Ngoại giao đã có cuộc giao ban giữa Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm đánh giá những thách thức, cơ hội và tác động của các chính sách, quy định mới của các thị trường tới ngành gỗ và lâm sản. Đồng thời, trao đổi về các giải pháp nhằm hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Tháo  gỡ khó khăn cho ngành gỗ và lâm sản
Cuộc họp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài qua hình thức trực tuyến. Ảnh: BNG

Tại cuộc họp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp đề nghị các cơ quan đại diện hỗ trợ quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường, nhất là các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Đông Bắc Á, kết nối đối tác cho doanh nghiệp.

Các bộ, hiệp hội, doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan đại diện giúp chuyển tải tới các đối tác quốc tế thông điệp về các nỗ lực, cam kết của Việt Nam về bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường của các thị trường, góp phần phát triển ngành công nghiệp gỗ bền vững.

Đồng thời, cập nhật thông tin thị trường, cảnh báo thay đổi chính sách có tác động trực tiếp đến ngành gỗ và tham mưu biện pháp ứng xử phù hợp; vận động các nước giải quyết các vụ việc điều tra, phòng vệ thương mại công bằng đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Tại cuộc họp, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đánh giá, trong bối cảnh khó khăn chung, vẫn có những cơ hội để ngành gỗ có thể tận dụng như nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn như EU còn rất lớn, việc Trung Quốc mở cửa trở lại, lợi thế về mạng lưới các FTA của Việt Nam như EVFTA, RCEP cũng như các cơ hội tại các thị trường tiềm năng như Indonesia…

Vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, nghiên cứu để đáp ứng trúng nhu cầu của từng thị trường, xây dựng quan hệ sâu với khách hàng, đầu tư xây dựng thương hiệu; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp để bảo đảm quy mô và tính ổn định của chuỗi cung ứng; có chiến lược bài bản, chuyên nghiệp trong quảng bá, phát triển thị trường.

Về dài hạn, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư, đổi mới về công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường, chuẩn bị kỹ về thị trường và pháp lý để hạn chế các rủi ro về tranh chấp, phòng vệ thương mại, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, mã số vùng trồng hợp pháp…

Các cơ quan đại diện khẳng định sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và mở rộng, phát triển thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, để tăng cường hiệu quả xúc tiến, quảng bá, các hiệp hội, doanh nghiệp cần cung cấp cho các cơ quan đại diện những thông tin chuyên ngành, các hội chợ quy mô về gỗ để kết nối doanh nghiệp quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện cũng cần tiếp tục nỗ lực, nhạy bén trong hỗ trợ ngành gỗ mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng và còn dư địa như Ấn Độ, Đông Âu, Trung Đông; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, tận dụng quan hệ chính trị - ngoại giao để hỗ trợ giải quyết thỏa đáng các tranh chấp và phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.