Không đồng tình nâng vốn nhà nước tại các dự án PPP

Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng về triển khai các dự án giao thông đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đại biểu chia sẻ với Bộ trưởng về khó khăn trong thu hút nhà đầu tư, nhưng chưa đồng tình với Bộ trưởng về giải pháp chỉ nâng vốn nhà nước tham gia dự án PPP để hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân.

Thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Chưa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia theo hình thức PPP.

Bởi theo nữ đại biểu, “quá tập trung vào nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công”. Nhà nước cần cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình trong các dự án PPP như mua lại các dự án nếu có lỗi của Nhà nước; cam kết cân đối vốn; chia sẻ khi giảm doanh thu…

“Các vấn đề này đã được quy định chi tiết trong Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Chỉ khi Nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết của mình mới thu hút được đầu tư tư nhân. Do đó, cần tránh tình trạng chỉ chú trọng giai đoạn xây dựng công trình mà chưa bao quát toàn bộ vòng đời dự án; tránh xu hướng đầu tư PPP như đầu tư công và đầu tư tư nhân thuần túy” - đại biểu Phạm Thúy Chinh phân tích.

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau khi ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, chúng ta chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Hiện nay cả nước, đầu phương tiện có 5,2 triệu ô tô, trong đó, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm xấp xỉ 50%. Do phân bổ không đồng đều nên việc thu hút vốn vào dự án PPP khó khăn.

Bên cạnh đó, có nhiều dự án hiện nay đang có vướng mắc chưa thể tháo gỡ, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp. Dẫn chứng về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, có rất nhiều dự án BOT đến thời điểm phải tăng phí, được tăng phí theo hợp đồng nhưng chưa được phép tăng phí vì liên quan đến điều hành giá, chỉ số CPI. Có dự án chưa được hoàn vốn, trong khi đằng sau các doanh nghiệp là các ngân hàng.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: “Khi các ngân hàng thấy rủi ro thì rất khó khuyến khích ngân hàng tham gia vào dự án. Nếu không có ngân hàng tham gia thì chắc chắn các doanh nghiệp không thể triển khai thực hiện được, bởi các dự án giao thông PPP có nguồn vốn rất lớn”.

Để gỡ những vướng mắc này, Bộ Giao thông vận tải đang từng bước nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội.

“Tư lệnh” ngành Giao thông vận tải cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến đại biểu, đó là tăng tỷ lệ vốn nhà nước vào dự án PPP để thu hút đầu tư của doanh nghiệp “không phải yếu tố quyết định”.

Theo kinh nghiệm trên thế giới, nhiều nước không khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án. Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia có thể 70%, 60%; thậm chí với dự án tốt có khả năng thu hồi vốn cao chỉ tham gia 20-30% thôi.

Do đó, theo Bộ trưởng “quan trọng cần thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông”. Sắp tới, bộ này sẽ chuẩn bị hoàn thiện các điều kiện để cùng các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua triển khai nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí. Đây là nội dung đã đặt ra và thực tế nhiều dự án có khả năng để đấu giá quyền thu phí để doanh nghiệp tham gia vào giai đoạn sau, Nhà nước rút vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Đề xuất sửa luật để hóa giải những bế tắc

Tuy nhiên, sau trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) đã bấm nút tranh luận về vốn nhà nước tham gia dự án PPP.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, theo như lời Bộ trưởng, ở các quốc gia khác không quy định tỷ lệ vốn của Nhà nước mà tùy theo tính chất của từng dự án, nhưng ở Việt Nam, Nhà nước vẫn tham gia khoảng 70%.

Thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư
Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Dự án PPP cần phải căn cứ vào tính chất từng dự án trong từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ vốn của Nhà nước.

“Với dự án PPP cần phải căn cứ vào tính chất của từng dự án trong từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ vốn của Nhà nước bao nhiêu cho phù hợp. Như vùng khó khăn, xa xôi thì vốn nhà nước cần tham gia nhiều”- đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phù hợp với thực tiễn hơn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, mà y tế, giáo dục cũng đang bế tắc.

Trả lời đại biểu Vũ Tiến Lộc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, các nước không ấn định mức tối đa mà tùy vào tính chất của từng dự án cụ thể. Bộ cũng đang kiến nghị sửa luật cho phù hợp trong thời gian tới để thu hút được nhiều nhà đầu tư PPP vào các dự án giao thông.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến: Quốc hội đã đồng ý thí điểm cho TP. Hồ Chí Minh, mở rộng danh mục và linh hoạt trong quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP.

“Chúng ta đã có nghị quyết đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh. Trên cơ sở thí điểm, chúng ta sẽ tổng kết, nghiên cứu để hoàn thiện bổ sung Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Bộ trưởng nắm chắc vấn đề, nhìn rõ có tồn tại, hạn chế của ngành Giao thông

Theo dõi phiên chất vấn của Quốc hội với Bộ trưởng Giao thông vận tải, đa số các đại biểu đánh giá, đây là một phiên chất vấn chất lượng, làm rõ nhiều nội dung. Theo đó, dù mới nắm mảng giao thông chưa lâu, Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, nhìn rõ có tồn tại, hạn chế của ngành Giao thông vận tải… Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực cần nhiều thời gian để chứng minh hiệu quả công tác triển khai sau lời hứa.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Quảng Bình), đại biểu có chất vấn Bộ trưởng về vấn đề quy định tốc độ của trên đường cao tốc và có sự so sánh giữa tốc độ của đường cao tốc và tốc độ của Quốc lộ 1A. Đại biểu cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng là hết sức thẳng thắng, rất hợp tình, hợp lý và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

“Bộ trưởng có trả lời là sẽ cho rà soát lại và có hứa là sẽ trong quý I/2024 sẽ xem xét một số tuyến của cao tốc Bắc Nam nâng lên tốc độ tối đa từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ. Tôi cho rằng có thể thực hiện được và tôi tin tưởng là Bộ trưởng sẽ chỉ đạo thực hiện tốt” - đại biểu nói.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đánh giá, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã rất là cầu thị và đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, đại biểu cho biết việc thực hiện lời hứa theo tiến độ đề ra của Bộ trưởng, cử tri và đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm, do đó Bộ trưởng cần phải tập trung triển khai trong thời gian tới.