Thêm các quỹ đầu tư để huy động vốn trung, dài hạn cho phát triển kinh tế
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh

PV: Thưa ông, mặc dù đã có sự phát triển khá mạnh, nhưng ngành quỹ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Ông có thể chia sẻ gì về thực trạng của ngành quỹ tại Việt Nam hiện nay?

Thêm các quỹ đầu tư để huy động vốn trung, dài hạn cho phát triển kinh tế

Ông Don Lam: Cùng với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, ngành quỹ tại Việt Nam cũng đã có nhiều sự phát triển cả quy mô và chất lượng. Theo số liệu thống kê từ cơ quan quản lý, trong suốt một thập kỷ qua, ngành quỹ đã duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, trung bình trên 20% mỗi năm.

Tuy nhiên trên thực tế, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ có tỷ trọng rất cao, nhưng thường tự đầu tư trực tiếp và ít tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư. Đây cũng là một lý do quan trọng để Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” hôm nay bàn giải pháp để vừa gia thu hút các quỹ đầu tư vào Việt Nam, vừa thay đổi suy nghĩ của nhà đầu tư đầu tư vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.

Chúng tôi cho tằng, việc phát triển các quỹ đầu tư tại Việt Nam và thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia sẽ góp phần quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định, dài hạn và bền vững hơn. Bởi các quỹ đầu tư không mua bán thường xuyên và đầu tư theo chiến lược, đầu tư dài hạn.

PV: Ông vừa chia sẻ về thực trạng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam ít tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Ông có thể cụ thể hơn về điều này?

Ông Don Lam: Qua theo dõi và so sánh tại nhiều thị trường chứng khoán khác, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng phần trăm rất lớn với hơn 90% số lượng nhà đầu tư tham gia.

Như tôi chia sẻ ở trên, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ thường tham gia mua/bán chứng khoán trực tiếp, ít đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nhà đầu tư cá nhân thường tham gia theo xu hướng “chơi chứng khoán” hoặc “lướt sóng”, chứ không phải đầu tư chuyên nghiệp đầu tư dài hạn, đầu tư giá trị vào công ty tốt, giữ lại cổ phiếu 5 năm, 10 năm. Họ thường đầu tư 3 tháng, 5 tháng, 10 tháng phần nào làm thị trường chứng khoán thiếu ổn định. Vì vậy, chúng ta phải bàn giải pháp để khuyến khích nhà đầu tư nhỏ lẻ vào các quỹ đầu tư, giảm rủi ro và đầu tư dài hạn hơn.

PV: Vậy theo ông, đâu là giải pháp để có thể khắc phục thực trạng đó?

Ông Don Lam: Chúng ta cần triển khai nhiều giải pháp để tăng số lượng các quỹ đầu tư tham gia và thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư thông qua các quỹ chuyên nghiệp.

Tôi cho rằng, đầu tiên, chúng ta cần tăng cường đào tạo, giáo dục cho nhà đầu tư cá nhân trong việc tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Đây là giải pháp để giúp nhà đầu tư giảm rủi ro và lâu dài thì lợi nhuận sẽ cao hơn. Trên thế giới, nhiều thị trường chứng khoán phát triển cũng vậy, các nhà đầu tư chiếm tỷ lệ lớn thường là các quỹ chứ không phải là nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện đang khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Điều này cũng có nghĩa là khi phát triển kinh tế tư nhân thì cần nguồn vốn để phát triển, nguồn vốn đó sẽ từ các quỹ đầu tư. Kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân cần vốn để phát triển, mua công nghệ để phát triển thì thường vay ngân hàng, nhưng song song với đó, cần thêm quỹ đầu tư tham gia theo hướng dài hạn.

Chúng ta thấy rằng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nhà đầu tư tham gia các quỹ cũng đã lâu. Vậy trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đưa mục tiêu tăng trưởng trong kỷ nguyên mới, chúng ta làm thế nào tạo sự khác biệt. Bản thân các quỹ cũng cần phải có giải pháp làm thế nào để thu hút dòng tiền mới?

Trong tương lai, huy động vốn không chỉ huy động trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam mà huy động vốn từ thị trường vốn Việt Nam. Trong năm 2023, tổng vốn quản lý huy động từ thị trường Việt Nam của VinaCapital là 4 nghìn tỷ đồng; 2024 tăng lên 8 nghìn tỷ đồng và năm 2025 đang cố gắng 12 - 15 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam đang phát triển và nhà đầu tư Việt Nam cũng dần hiểu biết đầu tư vào các quỹ đầu tư sẽ thuận lợi hơn. Tôi nghĩ điều này cũng cần thêm thời gian.

PV: Theo ông, các quỹ cần thêm hỗ trợ gì về cơ chế chính sách?

Ông Don Lam: Tại hội nghị hôm nay, Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã cho biết, cơ quan quản lý đang nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách để hỗ trợ các quỹ đầu tư phát triển mạnh hơn ở thị trường Việt Nam.

Về phía Dragon Capital cũng đã có một số đề xuất kiến nghị gửi cơ quan quản lý về vấn đề này. Bước đầu tiên là cần giáo dục nhà đầu tư nhỏ lẻ; hai là cung cấp thông tin cho họ biết quỹ đầu tư phát triển và quỹ đầu tư kết hợp có lợi nhuận cao hơn. Tiếp đó, cần phát triển quỹ hưu trí để người dân tiết kiệm lâu dài khi về hưu. Bên cạnh đó, cần phát triển thêm các sản phẩm quỹ để huy động vốn dài hạn cho đầu tư, chặng hạn như quỹ phát triển hạ tầng. Đây cũng là vấn đề mà Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang khuyến khích và chúng tôi cũng đang đề xuất vấn đề này.