lang phi

Chỉ đạo của Chính phủ đưa ra lúc này thật kịp thời, như một lời nhắc nhở, cảnh báo, rằng với những lĩnh vực sử dụng lượng lớn tiền từ ngân sách, phải luôn nhớ quản lý chặt chẽ, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.

Tại sao phải chặt chẽ, kỹ càng với các dự án đầu tư công? Bởi vì ngân sách dành cho đầu tư công luôn chiếm tỷ lệ lớn, hiệu quả đầu tư công lại chưa cao, đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nợ công ngày càng trở nên nặng gánh.

Đã từ lâu chúng ta có câu “cha chung không ai khóc”, áp dụng rất hợp cảnh với việc sử dụng tài sản công, cũng như đầu tư công hiện nay. Nói như vậy không phải quá nặng nề, khi các công trình có vốn ngân sách luôn luôn bị đội vốn, bị chậm tiến độ, nhanh chóng xuống cấp, hiệu quả khai thác không cao; trong khi công trình do tư nhân bỏ vốn đầu tư thì ngược lại. Điều này đã được chứng minh trên thực tế. Những con đường chưa khai thác bao lâu đã lột đá lên lát lại; những bờ kè chỉ 1 trận mưa đã lở; những công trình chậm tiến độ nhiều năm, các công trình nghìn tỷ “đắp chiếu” - biểu tượng của thất thoát, lãng phí - đang ngổn ngang, nhức nhối ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.

Trước đây, khi chuẩn bị thực hiện dự án trường học hay cây cầu, người dân đều thấy hân hoan, nghĩ tới ngày khánh thành, các công trình đưa vào sử dụng sẽ giúp nâng cao điều kiện sống. Nhưng nay trước một dự án đầu tư, điều mà người ta nghĩ tới đầu tiên, là ngân sách sẽ phải chi bao nhiêu, liệu có bị đội vốn gấp 2, gấp 3 lần hay không, và liệu dự án có thiết thực với đời sống của người dân? Tiền ngân sách, tiền đi vay, đều là tiền của người dân đóng góp. Nếu số tiền ấy không bị “gió cuốn đi”, thì nó đã được đầu tư vào phúc lợi xã hội, để cho cuộc sống của nhiều gia đình đỡ vất vả hơn…

Chính phủ nhiệm kỳ mới đặc biệt quan tâm tới vấn đề nợ công và đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ, đã ra văn bản chỉ đạo trên. Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công; nhấn mạnh việc tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công. Đồng thời rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Đầu tư công; đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân...

Không để xảy ra thất thoát, lãng phí – đó là yêu cầu hàng đầu của Chính phủ đang đặt ra trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt ở lĩnh vực tiêu nhiều tiền ngân sách như đầu tư công. Trong hoàn cảnh Việt Nam bước vào hội nhập sâu rộng, nhưng nội tại nền kinh tế vẫn chưa thực sự khỏe mạnh, lại thêm thiên tai, biến đổi khí hậu tác động mạnh theo chiều hướng tiêu cực, việc huy động vào ngân sách đạt kế hoạch đề ra còn rất nhiều khó khăn; cùng với đó là yêu cầu đảm bảo an toàn nợ công, chi cho công tác an sinh xã hội, an ninh quốc phòng... nên việc cân, đo, đong, đếm từng đồng vốn đầu tư sao cho hiệu quả là vô cùng cần thiết.

Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính trọng trách thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, bảo đảm cân đối vĩ mô và an toàn nợ công. Cho nên, hơn lúc nào hết, chúng ta cần thống nhất rằng: Không phải cứ thấy cần thiết là lập dự án vay vốn đầu tư, không đầu tư bằng mọi giá, mà chỉ ưu tiên đầu tư những công trình cấp thiết, cho hiệu quả cao, mới đảm bảo được yêu cầu ổn định và phát triển bền vững nền kinh tế đất nước./.

Kim Thanh